Tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels trong ngày 23/3, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của EU đã thông qua kế hoạch vào đầu tuần này và ủng hộ động thái chính trị về các thỏa thuận trong việc cung cấp đạn dược và pháo cho Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn các nhà lãnh đạo EU về sáng kiến trước đó trong một bài phát biểu trực tuyến. Trong ngày 23/3, ba nước Ba Lan, Litva và Tây Ban Nha đã tham gia thỏa thuận của EU về việc mua chung đạn dược cho Ukraine.
Tổng thống Bulgaria Rumen Radev một lần nữa tuyên bố phản đối việc gửi đạn dược của Bulgaria tới Ukraine (Ảnh minh họa)
Đầu tuần này, Cơ quan Quốc phòng châu Âu báo cáo rằng 17 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu và Na Uy đã chính thức tham gia cơ chế mua bán đạn dược chung để giúp Ukraine bổ sung kho dự trữ của nước này. Theo kế hoạch, EU sẽ cung cấp cho Ukraine 1 triệu đạn pháo trong 1 năm tới.
Trước đó, Thủ tướng Estonia Kallas đã đưa ra bàn đàm phán trong tháng trước về ý tưởng EU thiết lập một kế hoạch mua chung tương tự như kế hoạch mua vắc xin chung được đưa ra trong đại dịch Covid-19. Bà nhấn mạnh việc gửi đạn dược tới Ukraine sẽ mang lại những thay đổi trong cuộc xung đột hiện nay.
Theo kế hoạch, Cơ quan Quốc phòng châu Âu sẽ tổng hợp các yêu cầu bổ sung từ các quốc gia thành viên và thúc đẩy một quy trình để đàm phán trực tiếp với các nhà cung cấp đạn dược công nghiệp ở Châu Âu. Theo ước tính, Ukraine bắn 6.000-7.000 quả đạn pháo mỗi ngày, chiếm khoảng 1/3 tổng số của Nga.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, cho biết ông vừa nhận được sự chấp thuận dành 1 tỷ euro để khuyến khích các quốc gia thành viên cung cấp đạn pháo từ kho dự trữ hiện có và các đơn đặt hàng đang chờ xử lý. Một khoản tài chính nữa của EU sẽ được sử dụng để đẩy nhanh các đơn đặt hàng mới và khuyến khích các quốc gia hợp tác trong các hoạt động mua bán vũ khí thông qua Cơ quan Phòng vệ châu Âu hoặc trong các nhóm ít nhất ba quốc gia.
Hungary cho biết nước này sẽ không tham gia vận chuyển đạn dược cho Ukraine với lý do cam kết hòa bình nhưng sẽ không ngăn cản các thành viên khác thực hiện hoạt động này. Tháng trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết EU phải chịu một phần trách nhiệm trong việc kéo dài cuộc xung đột hiện tại bởi các biện pháp trừng phạt Nga và cung cấp tài chính, vũ khí cho Ukraine thay vì các nỗ lực tìm cách đàm phán hòa bình với Moscow.
Tổng thống Bulgaria Rumen Radev một lần nữa tuyên bố phản đối việc gửi đạn dược của Bulgaria tới Ukraine. Ông nhấn mạnh nguyên tắc tham gia sáng kiến là quyết định tự nguyện và có chủ quyền của mỗi quốc gia. Ông cũng khẳng định Bulgaria không phải là nước duy nhất từ chối tham gia sáng kiến này mà hiện đã có 9 quốc gia thành viên EU khác không tán thành đề xuất này./.