Các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Cung điện Versailles tập trung vào cuộc chiến Ukraine. Ảnh: AP
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao của Ukraine đã nhiều lần kêu gọi EU ngay lập tức kết nạp nước này làm thành viên.
Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Versailles (Pháp) diễn ra từ ngày 10-11/3, 27 nhà lãnh đạo EU chỉ thừa nhận nguyện vọng của Kiev và lưu ý đến lá đơn đề nghị gia nhập EU mà ông Zelenskyy đã ký vào ngày 28/2.
Các nhà lãnh đạo EU đã giao cho Ủy ban châu Âu chuẩn bị báo cáo liên quan đến yêu cầu này. Tài liệu dự kiến sẽ được công bố trong vài tuần tới, nhưng không có thời hạn cụ thể.
"Trong khi chờ đợi báo cáo này, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác để hỗ trợ Ukraine theo đuổi con đường châu Âu của mình. Ukraine thuộc về gia đình châu Âu", tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo EU nêu rõ.
Khi Ủy ban châu Âu đưa ra báo cáo, các nhà lãnh đạo EU sẽ bỏ phiếu về việc trao tư cách ứng viên cho Ukraine. Sau đó, các bên liên quan sẽ đàm phán và Ukraine phải thực hiện các cải cách cần thiết.
Đây được cho là "gáo nước lạnh" dội vào tham vọng muốn sớm gia nhập EU của Kiev, nhưng đồng thời cũng phản ánh sự chia rẽ Tây-Đông trong EU.
Đầu tháng này, một nhóm quốc gia thành viên phía Đông (Bulgaria, Séc, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia và Slovenia) đã viết thư kêu gọi EU ngay lập tức trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine.
Nhưng các nước Tây Âu dường như ít quan tâm hơn. "Hiện nay liệu chúng ta có thể mở thủ tục gia nhập với một quốc gia đang có xung đột hay không? Tôi không nghĩ vậy", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Versailles.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez trước đó đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng gia nhập EU là quá trình lâu dài và có những yêu cầu, cải cách mà Ukraine phải đáp ứng.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thậm chí còn tỏ thái độ rõ ràng hơn trước cuộc họp. Phát biểu với các phóng viên, ông Rutte nói: “Chắc chắn rằng Hà Lan và Ukraine đang kề vai sát cánh, nhưng không thể cấp thủ tục để gia nhập EU nhanh. Không có thủ tục kiểu này".
Sau đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cáo buộc một số quốc gia muốn làm chậm quá trình gia nhập của Ukraine, ví dụ như Hà Lan.
EU-Ukraine đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị. Theo thỏa thuận, Kiev cam kết thực hiện một loạt cải cách nhằm đưa nước này tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn của EU.