EU không thể rời bỏ Trung Quốc sau đại dịch dù có muốn

Thi Anh |

Đại dịch đã củng cố một thực tế: "Bắt tay với Trung Quốc" là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

"Bắt tay" với Trung Quốc là cần thiết

Đại dịch COVID-19 đã khởi động một cuộc tranh luận khó khăn về việc liệu các nước phương Tây có nên cân nhắc lại mối quan hệ của mình với Trung Quốc hay không.

Đây đặc biệt là điều mà Liên minh châu Âu - vốn đã mất vài năm tìm cách tiếp cận và hợp tác sâu hơn với Bắc Kinh nhằm tiến tới mục tiêu sau cùng là có được đầu tư hai chiều dễ dàng hơn và gia nhập thị trường của phía bên kia - phải đối mặt.

Nhìn bề ngoài, việc tái thiết lập quan hệ EU - Trung Quốc trông có vẻ đơn giản. Mặc dù khối này tiến tới Trung Quốc nhưng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương lại là trụ cột trong trật tự phương Tây do Mỹ dẫn đầu.

Quyết định tạm ngưng các cuộc đối thoại hiện thời với Trung Quốc của châu Âu nhằm xác định xem chuyện gì đã diễn ra và ưu tiên của khối thời hậu COVID-19 là gì có thể coi là sáng suốt (dù gây thiệt hại về kinh tế). Động thái này cũng sẽ được Washington hoan nghênh và ủng hộ.

Tuy nhiên, những bước đi của Trung Quốc kể từ khi đại dịch bùng phát lại không khiến Brussels đi tới quyết định "lạnh nhạt" với Bắc Kinh.

Bất chấp những cáo buộc giấu dịch ở thời điểm đầu, lan truyền thông tin sai sự thật và chiêu bài "ngoại giao khẩu trang" gây tranh cãi, nhiều nhân vật từ các nước thành viên lẫn các cơ quan của EU nhận định với CNN rằng đại dịch kỳ thực đã củng cố thực tế rằng "bắt tay với Trung Quốc" là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Logic kiểu như thế này: Các ưu tiên hiện thời của EU là tiến hành quá trình phục hồi sau đại dịch, cả về kinh tế lẫn chiến lược; trở thành một người chơi nghiêm túc trong ván cờ địa chính trị; củng cố nền kinh tế châu Âu; và là nhà lãnh đạo thế giới về khủng hoảng khí hậu.

Quan điểm được nhất trí rộng rãi ở Brussels là mở rộng quan hệ với Trung Quốc có lợi cho những mục tiêu trên.

Nhiều quan chức tin rằng tiếp cận Trung Quốc là cần thiết nếu thế giới hiểu về SARS-CoV-2 và học được những bài học đúng đắn từ dịch bệnh. Sự giàu có của Trung Quốc và thái độ sẵn sàng đầu tư rõ ràng là một triển vọng đầy thu hút đối với các nền kinh tế đang chật vật của EU.

Bằng cách đi dây khéo léo giữa Mỹ và Trung Quốc, châu Âu sẽ tạo ra một vai trò độc nhất cho chính mình trên trường quốc tế, xét trong bối cảnh khối này tự chủ về ngoại giao với Washington.

Vừa là đối tác, vừa là đối thủ

Tuy nhiên, đại dịch cũng một lần nữa hướng sự chú ý vào nhiều vấn đề khác liên quan tới Trung Quốc mà các lãnh đạo châu Âu trước đó đã sẵn sàng bỏ qua.

Điều này đưa châu Âu vào thế khó. Một mặt, EU muốn tiếp xúc với Bắc Kinh nhưng mặt khác khối này lại thừa nhận rằng Trung Quốc là một đối thủ khó có thể tin tưởng hoàn toàn. Hiện thời EU đang ở trong trạng thái này.

"Chúng tôi có một mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc, vừa là đối tác lại vừa là đối thủ", một quan chức ngoại giao cấp cao của EU nói với CNN.

Quan hệ giữa Châu Âu và Trung Quốc đã tiến gần hơn trong 3 thập kỷ qua khi mà cả hai bên nhận thấy sức mạnh kinh tế khó có thể phớt lờ của nhau. Bởi năng lực của Trung Quốc tăng tiến sau cuộc khủng hoảng kinh tế nên tiền Trung Quốc thậm chí còn trở nên hấp dẫn hơn đối với các nền kinh tế châu Âu.

Và mặc dù hợp tác với Bắc Kinh luôn đi kèm cùng rủi ro an ninh và những bất đồng về các vấn đề dân chủ thì nguồn lợi nhìn chung có vẻ xứng đáng.

EU nhìn nhận lập trường phức tạp của mình về Trung Quốc là một điểm thuận lợi về ngoại giao nhưng khối này đang đứng trước nguy cơ khiến mọi chuyện trở nên rắc rối hơn với hai đồng minh thân thiết nhất trong tương lai gần: Anh và Mỹ.

"Châu Âu sẽ khó có thể phớt lờ kêu gọi cấm vận và tách rời tương quan (de-coupling) từ Mỹ", Steven Blockmans, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu, nhận định.

"Các chính phủ sẽ tìm cách duy trì tình thế cho tới khi bầu cử Mỹ qua đi. Nhưng nếu chính quyền Mỹ kế nhiệm áp dụng các biện pháp cấm vận thứ cấp như ông Trump đã làm với Iran thì EU sẽ phải tìm những cách mới để bảo toàn sự tự chủ của mình trong các vấn đề quốc tế".

Sự tự chủ này đặc biệt quý giá với EU. "Rõ ràng là EU không sẵn sàng trở thành công cụ ngoại giao của Mỹ và muốn tìm cách tự mình đối phó với Trung Quốc", một quan chức EU cho hay.

Tuy nhiên, người này cũng thừa nhận rằng Brussels không thể hành động "ngây thơ" như đã làm ở thời điểm sau khủng hoảng khu vực đồng euro - khi mà các nền kinh tế EU chào đón cả đầu tư trực tiếp của Trung Quốc, đồng thời để cho nước này mua lại các công ty đang thua lỗ và mở cửa thị trường mà không đảm bảo về an ninh cùng nhiều vấn đề khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại