EU chờ đợi gì trong mùa Đông này sau khi 'quay lưng' với khí đốt Nga?

Công Thuận |

Thị trường năng lượng EU đối mặt với tình trạng hỗn loạn do cắt đứt quan hệ với khí đốt của Nga và đang hy vọng mùa Đông ấm áp sẽ tránh được giá khí đốt cao kỷ lục như năm ngoái.

EU chờ đợi gì trong mùa Đông này sau khi quay lưng với khí đốt Nga? - Ảnh 1.

Mùa đông ôn hòa "rất quan trọng" đối với EU sau khi khối này giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Ảnh: Anadolu

Các nước châu Âu cần một mùa Đông ôn hòa hơn để tránh giá khí đốt kỷ lục năm ngoái khi EU bước vào mùa đông thứ hai không có khí đốt tự nhiên của Nga, theo bình luận của hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu mới đây.

EU đã phải sử dụng đến các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền để thay thế khí đốt của Nga, và theo John Roberts, chuyên gia an ninh năng lượng từ tổ chức nghiên cứu Methinks có trụ sở tại Anh, giá khí đốt trong mùa đông này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết.

Ông Roberts nêu rõ một mùa Đông ôn hòa như năm ngoái “rất quan trọng” đối với các nước EU.

Do nhiệt độ quá cao, việc bảo trì nhà máy khí đốt và gần đây nhất là hoạt động công nghiệp tại các cơ sở LNG quan trọng ở Australia, thị trường khí đốt của châu Âu gần đây đã trải qua những biến động thất thường.

Sự khó lường của thị trường như vậy phát sinh do một số cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu bằng sự mất ổn định cung cầu sau đại dịch COVID-19 và ngày càng sâu sắc hơn với nỗi lo về nguồn cung do xung đột Nga - Ukraine gây ra.

Nga đã quyết định dừng nguồn cung khí đốt qua các đường ống, ngoại trừ một đường ống ở Ukraine, để phản ứng với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch của nước này từ phương Tây và một vụ nổ đã làm hư hại đường ống Nord Stream 1, nhà cung cấp khí đốt chính của Nga cho Đức.

Kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, giá khí đốt vốn đã cao đã tăng đến mức vượt quá 300 euro mỗi megawatt giờ vào tháng 8 năm ngoái, lập mức cao kỷ lục mới.

Nhiệt độ thấp, không xảy ra tình trạng mất điện đáng kể trong suốt mùa Đông năm ngoái và các sáng kiến ​​của EU nhằm cắt giảm mức tiêu thụ khí đốt đã làm giảm quỹ đạo tăng giá. Giá đã giảm mạnh xuống còn 35 euro mỗi megawatt giờ vào tháng 8 năm nay trước khi giảm xuống mức thấp nhất là 31 euro vào tháng 9 năm nay.

Trên thị trường giao dịch khí đốt tự nhiên TTF Hà Lan, giá khí đốt mỗi megawatt giờ trong hợp đồng tương lai tháng 10 đạt 39,6 euro mỗi megawatt giờ vào ngày 20/9.

"Năm ngoái, trong nửa đầu năm, lượng khí đốt từ Nga đã chảy vào EU đủ để lấp đầy phần lớn các cơ sở lưu trữ của mình. Nguồn cung của chúng tôi đã tăng lên khi các dự án LNG mới và nâng cấp được đưa vào hoạt động, và chúng tôi được hỗ trợ bởi nhu cầu tương đối thấp từ các thị trường Viễn Đông và châu Á - Thái Bình Dương vì các thị trường này vẫn chưa hồi phục sau đại dịch COVID-19”, chuyên gia Roberts cho biết.

Tuy nhiên, ông Roberts lưu ý tình hình năm nay đã khác với nhiều bất ổn vì không có khí đốt của Nga và tương đối ít LNG mới được đưa vào sử dụng do thị trường châu Á - Thái Bình Dương vừa phục hồi. Ông nói: “Đây là một mùa đông quan trọng và nếu châu Âu vượt qua mùa đông này, mọi thứ sẽ tốt hơn kể từ đó”.

EU vẫn mua khí đốt của Nga nhưng dưới dạng LNG

Do sự phụ thuộc đáng kể vào khí đốt của Nga, các quốc gia EU, trước đây đã trừng phạt dầu và than của Nga nhưng bỏ qua khí đốt tự nhiên, đã cam kết cấm tất cả nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.

EU chờ đợi gì trong mùa Đông này sau khi quay lưng với khí đốt Nga? - Ảnh 2.

EU đã tăng nhập khẩu LNG từ Nga. Ảnh: AFP

Họ cũng tăng nhập khẩu LNG lên 60% nhằm bù đắp lượng khí đốt bị mất từ Nga. Năm ngoái, Mỹ cung cấp 44% tổng lượng nhập khẩu LNG cho EU, tiếp theo là Nga ở mức 17% và Qatar ở mức 13%.

Bày tỏ sự bất bình với việc EU ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp LNG của Nga, Kadri Simson, ủy viên năng lượng của EU, kêu gọi "tất cả các công ty và các quốc gia thành viên thực hiện phần việc của mình" để giảm xuất khẩu LNG từ Nga sang EU, vốn trong tháng qua lên tới 12,4 tỷ mét khối.

Ủy viên EU Simson tái khẳng định rằng không có vấn đề gì về nguồn cung cấp khí đốt cho khối trong năm nay, đồng thời nói rằng "vị thế của châu Âu tốt hơn nhiều so với những gì bất kỳ ai có thể dự đoán".

Tuy nhiên, bà Simson cảnh báo các quốc gia thành viên phải thận trọng trong trường hợp mùa Đông khắc nghiệt, sự cố ngừng hoạt động hạt nhân ngoài dự kiến ​​hoặc nguồn cung cấp thủy điện hạn chế có thể gây bất ổn thị trường.

Bà nói thêm: “Tất cả những điều này có thể dẫn đến việc sử dụng khí đốt nhiều hơn để sản xuất điện ở châu Âu. Tuy nhiên, hiện tại, triển vọng tốt hơn nhiều so với năm ngoái và có vẻ ổn định”.

Theo thông tin tổng hợp từ dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu hôm 21/9, tỷ lệ lấp đầy kho lưu trữ khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã vượt quá 94%. Các nước EU tiêu thụ khoảng 400 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hàng năm và có khả năng lưu trữ khí đốt tự nhiên khoảng 113 tỷ mét khối. Khối lượng khí đốt hiện được lưu trữ ở EU là 109,8 tỷ mét khối.

Brenda Shaffer, Giáo sư tại Trường Sau đại học Hải quân Mỹ, nhận định "sự phá hủy nhu cầu" khí đốt đáng kể ở châu Âu đã gây áp lực khiến giá khí đốt giảm.

"Nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu đã sụp đổ hoặc chuyển đến những nơi có giá năng lượng rẻ hơn, như Mỹ. Do đó, do hoạt động kinh tế suy giảm nên hiện nay nhu cầu về khí đốt và điện cũng giảm theo. Mặt khác, nhập khẩu LNG của châu Á được dự đoán sẽ tăng mạnh trong vài tháng tới, và vì vậy nhu cầu này cũng sẽ làm tăng giá hàng cung cấp cho châu Âu", Giáo sư Shaffer nêu quan điểm.

Giáo sư Shaffer nhấn mạnh xung đột Nga - Ukraine cũng đã hồi sinh hoạt động vận chuyển khí đốt qua đường ống, đặc biệt là đến châu Âu. Vị chuyên gia này kết luận: “Người tiêu dùng trên toàn thế giới đã hiểu được mối nguy hiểm của việc cạnh tranh nguồn cung LNG, cả về giá cả và an ninh nguồn cung. Thật vô nghĩa khi châu Âu, nơi nằm cạnh nguồn cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới, lại từ bỏ khí đốt qua đường ống và buộc mình phải sử dụng LNG kém an toàn hơn và chi phí cao hơn”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại