'EU cần Nga': Giải mã sự tự tin của ông Putin

Thu Hoài (Tổng hợp) |

(Quan hệ quốc tế) - Tổng thống Nga Putin nói rằng EU sẽ không thể giữ vị thế và chỗ đứng toàn cầu nếu không có sự giúp sức của Nga.

Ông Putin tự tin

Trả lời phỏng vấn nhật báo Kathimerini (Hy Lạp) ngày 26/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ cần có sự giúp sức của Nga để có chỗ đứng trên phạm vi toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định: "Vị thế xứng đáng của lục địa già (ý chỉ châu Âu) trong thực tiễn thế giới hiện nay chỉ có thể được đảm bảo bằng sự tổng hòa năng lực của tất cả các quốc gia ở châu Âu, trong đó có Nga".

Cũng trong cuộc phỏng vấn với tờ Kathimerini, ông Putin kêu gọi thiết lập liên minh năng lượng giữa Nga và châu Âu, đồng thời hối thúc việc nới lỏng quy định về cấp thị thực cho công dân Nga tới EU.

"Chúng tôi tin rằng không có vấn đề nào trong quan hệ giữa Nga và EU mà chúng ta không thể giải quyết. Để quay về quan hệ đối tác nhiều mặt, chúng ta phải bỏ đi những suy nghĩ sai lầm để một bên đạt được thế thượng phong. Mỗi bên cần nghiêm túc xem xét quan điểm và những mối quan tâm của bên còn lại", Reuters dẫn lời ông Putin.

Vì sao?

Theo giới chuyên gia nhìn nhận, việc ông Putin tự tin phát biểu như trên có thể do châu Âu đang phải đối mặt với nhiều rối ren, trong đó phải kể đến là ngòi nổ khủng hoảng Hy Lạp.

Đã 6 tháng kể từ khi Hy Lạp khởi động các nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận với các chủ nợ về một chương trình tiết kiệm để tiếp tục được giải ngân khoản vay mới trong khuôn khổ "kế hoạch cứu trợ thứ ba" dành cho nước này, song đến nay, những cố gắng trên vẫn chưa đạt kết quả.

Theo đánh giá của báo "Le Monde" (Pháp), tất cả các điều kiện cần có để "kích hoạt" một cuộc khủng hoảng mới đã tương đối đầy đủ: Các cuộc đàm phán kéo dài chưa có kết quả trong khi thời điểm phải trả nợ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tới gần.

Theo nhận định chung, vào tháng 7 tới, Athens ít có khả năng thanh toán được khoản nợ nếu không nhận được khoản vay bổ sung.

Các nước đều muốn giải quyết “vấn đề Hy Lạp” trước tháng 6 tới để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh đi hay ở lại EU nhưng vẫn giữ thái độ kiên quyết.

Không chỉ tình hình Hy Lạp, trước làn sóng người di cư, một số nước châu Âu đã đưa ra những đề xuất không chính thức về việc thu hẹp khu vực Schengen với lý do dòng người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi có thể tràn vào châu Âu thông qua các nước Trung Âu.

Hôm 21/2, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cảnh báo, các nước EU "cần phải thống nhất một cách tiếp cận chung nếu không muốn viễn cảnh Schengen đổ vỡ xảy ra".

Tổ chức "Bertelsmann Foundation" có trụ sở tại Đức tính toán rằng trong kịch bản bi quan nhất, khi Khu vực Schengen bị phá vỡ, các trạm kiểm soát xuất hiện trở lại tại biên giới các nước, giá hàng hóa nhập khẩu có thể tăng tới 3%.

Trong đó, thiệt hại lớn nhất lên tới 235 tỷ euro cho nền kinh tế đầu tàu là Đức và 244 tỷ euro cho Pháp trong vòng một thập kỷ từ 2016 đến năm 2025.

Trong khi hiệp ước Schengen đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ thì mối lo Anh rời khỏi liên minh EU ngày càng đến gần khiến các bên vô cùng lo lắng.

Việc ông Putin tự tin còn bởi, trước đó trong một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Mail, ông Bernie Ecclestone, Giám đốc điều hành tập đoàn Công thức 1 cho rằng Tổng thống Nga nên là người đứng ra điều hành châu Âu.

Ông Bernie Ecclestone không che giấu sự ngưỡng mộ dành cho ông chủ điện Kremlin và bày tỏ niềm tin vào một trật tự thế giới mới.

“Ông ấy là người nên lãnh đạo châu Âu. Ông ấy sẽ sắp xếp lại trật tự những gì đang diễn ra ở Syria. Một điểm hay là ông Putin làm điều ông ấy tin là đúng đắn và ông ấy giữ vững quan điểm này. Rất khó xoay chuyển ý định của ông ấy”,ông Bernie Ecclestone khẳng định.

Trước doanh nhân 85 tuổi người Anh cũng đã từng có nhiều người lên tiếng bày tỏ sự tín nhiệm và niềm tin với tổng thống Putin.

Ngày 14/2, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã dành nhiều lời khen ngợi dành cho vai trò của ông chủ điện Kremlin trong cuộc chiến tại Syria. 

"Chỉ có một người duy nhất trên hành tinh này có thể chấm dứt cuộc nội chiến Syria bằng một cú điện thoại, đó chính là ông Putin", ông Hammond khẳng định.

Ngoại trưởng Anh cũng nói thêm: “Chỉ cần ông ấy gọi một cú điện thoại cho ông Assad, nói rằng cuộc chơi đã đến hồi kết thúc, và thế là mọi chuyện sẽ ổn. Tôi tin chắc rằng vào thời điểm thuận lợi nhất, điều đó sẽ xảy ra”.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại