Theo dự luật mới, các sản phẩm nằm trong danh sách bị cấm gồm dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ và cao su. Các sản phẩm trên được xác định là những yếu tố thúc đẩy nạn phá rừng nếu chúng có xuất xứ từ vùng đất rừng bị tàn phá sau tháng 12/2020.
Các công ty nhập khẩu sẽ phải chứng minh sản phẩm không liên quan đến hoạt động phá rừng, đồng thời phải chứng minh được thông tin địa lý chính xác về vùng đất xuất xứ của sản phẩm.
Ủy ban châu Âu (EC) đã hoan nghênh quyết định mà các nước thành viên EU và Nghị viện EU đạt được, đồng thời nhấn mạnh, dự luật mới này sẽ đảm bảo một loạt mặt hàng chủ chốt được đưa vào thị trường EU không góp phần thúc đẩy hoạt động phá rừng và suy thoái rừng ở EU cũng như những nơi khác trên thế giới.
Khi các quy định mới có hiệu lực, tất cả các công ty liên quan sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt nếu muốn đưa những mặt hàng này vào thị trường EU.
Lệnh cấm nhập khẩu mới của EU có thể trở thành hàng rào kỹ thuật đối với thương mại nông lâm sản. (Ảnh: Comunicaffe International)
Dự luật này được EC đề xuất hồi tháng 11/2021. EU giờ đây sẽ phải chính thức thông qua để văn kiện này có hiệu lực và các công ty thương mại sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy định này.
Các quy định pháp luật và tiêu chuẩn quốc tế mới nhằm chống nạn phá rừng có thể trở thành hàng rào kỹ thuật đối với thương mại nông lâm sản , bao gồm cà phê sản xuất tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, Việt Nam luôn xem trọng việc bảo vệ rừng và chống nạn phá rừng, cũng như việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết quốc tế nhằm ngăn chặn việc khai thác và buôn bán bất hợp pháp gỗ và các sản phẩm từ rừng, và đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm xuất khẩu.