Trên sàn giao dịch tiền ảo GDAX hôm thứ Tư, giá đồng tiền ảo lớn thứ nhì hiện này là ethereum đã giảm từ 319 USD xuống còn 10 xu trong khoảng 1 giây. Điều này được cho là bắt nguồn từ một lệnh bán trị giá hàng triệu USD.
Cũng trong cùng ngày thứ Tư, ethereum đã có lúc lên giá tới 352 USD. Sau khi rớt xuống 10 xu, ethereum đã kịp thời gượng dậy và chốt phiên trên GDAX ở mức 325 USD. Còn theo Coinmarketcap, giá trị hiện tại của ethereum là khoảng 338 USD.
Adam White, phó chủ tịch sàn GDAX (vốn được điều hành bởi công ty Coinbase), đã đăng tải một bài viết trên blog của sàn này. Trong đó, White đã giải thích sơ lược về sự cố rớt giá xuống 10 xu, vốn xảy ra vào khoảng 12h30 chiều (theo giờ Mỹ) hôm thứ Tư. Theo White, một lệnh bán trị giá nhiều triệu USD đã khiến một loạt lệnh bán khác được tự động kích hoạt, với các mức giá từ 317,81 USD tới 224,48 USD.
Khi giá tiếp tục giảm, 800 lệnh dừng lỗ (stop loss order) và bán tháo để thanh lý kí quỹ đã khiến giá của ethereum giảm xuống chỉ còn 10 xu.
Lệnh dừng lỗ là một giao dịch được thực hiện tự động khi giá của một loại chứng khoán- trong trường hợp này là ethereum – chạm một mức cụ thể. Việc bổ sung kí quỹ (margin funding) về bản chất là lệnh giao dịch sử dụng đòn bẩy. Sự thanh lý (liquidation) xảy ra khi các vị thế được đóng tự động để ngăn ngừa tổn thất thêm (do số tiền ban đầu của khách hàng không đáp ứng đủ mức kí quỹ theo quy định). Hiệu ứng bán hàng loạt từ các lệnh kể trên đã gây ra vụ sụp giảm chớp nhoáng (flash crash) trên sàn GDAX.
Diễn biến giá etherum thời gian qua. Hình cây nến đỏ có duôi dài vào ngày 22/6 mô tả cú sụp chớp nhoáng (flash crash) xuống còn 10 xu. Ảnh: GDAX
Trên các mạng xã hội, nhiều người đã chỉ trích sàn giao dịch GDAX và cáo buộc có một số hoạt động bất hợp pháp diễn ra. GDAX đã bác bỏ điều này.
"Các cuộc điều tra ban đầu của chúng tôi cho thấy không có dấu hiệu của hành vi sai trái hay chiếm đoạt tài khoản của khách hàng. Chúng tôi hiểu rằng sự kiện này có thể gây phiền toái cho khách hàng của chúng tôi. Cơ chế khớp lệnh của chúng tôi hoạt động bình thường trong suốt sự kiện này, và việc giao dịch bằng đòn bẩy luôn tiềm ẩn rủi ro", ông White viết trên blog của GDAX.
"Chúng tôi đang tiếp tục tiến hành điều tra kỹ lưỡng và sẽ cập nhật cho khách hàng về bất kì động thái mới nào sau đây."
White cũng lưu ý rằng những giao dịch này là có hiệu lực và sẽ không được đảo ngược. GDAX tạm thời đình chỉ việc kinh doanh ethereum vào thứ Tư, trước khi khôi phục lại hệ thống ngay sau đó.
Ethereum đã giao dịch ở mức khoảng 317 USD trên GDAX vào đầu phiên giao dịch hôm thứ Năm. Theo trang web theo dõi giá Coinmarketcap, ethereum được giao dịch khoảng giá 336 USD.
Theo một người trong ngành nói với CNBC, cùng với các vấn đề trên sàn GDAX, nhu cầu của nhà đầu tư trong buổi gọi vốn cho một ứng dụng nhắn tin dựa trên ethereum có tên là Status cũng đã làm tắc nghẽn mạng lưới ethereum.
Ai đã kiếm 1 triệu USD từ 380 USD?
Nhiều nhà giao dịch ethereum đã rất tức giận, và đổ lỗi cho sàn giao dịch GDAX là không có những biện pháp kiểm soát thích hợp, và thậm chí cáo buộc người đặt lệnh bán triệu đô kể trên là cố tình thao túng thị trường.
Và đó là một kinh nghiệm đau đớn cho nhiều người. Trên diễn đàn Reddit, nhiều người đã than phiền về việc mất một khoản tiền lớn, từ 3.000 USD đến 9.000 USD.
Nhưng cũng có những người hưởng lợi lớn từ sự cố này. Trên diễn đàn StockTwits, một người dùng tên John DeMasie đã đăng một ảnh chụp màn hình về lịch sử giao dịch trong khoảng thời gian xảy ra sự cố flash crash. Nó cho thấy người này đã đặt lệnh mua 3.800 ethereum nếu giá tiền ảo này giảm xuống 10 xu trên sàn GDAX. Về mặt lý thuyết, DeMasie đã bỏ ra 380USD để mua số ethereum này, và khi giá lên tới trên 300 USD một lần nữa, người này sẽ có cả một gia tài trị giá 1 triệu USD. CNBC đã không thể xác minh ảnh chụp màn hình được đăng bởi DeMasie.
Tiền ảo chưa hết sôi động
Cú flash crash của ethereum xảy ra giữa lúc các loại tiền ảo ngày càng được quan tâm rộng rãi hơn. Cả bitcoin và ethereum đã đạt mức cao kỷ lục gần đây, nhưng cũng đã có nhiều đợt điều chỉnh lớn trong thời gian qua.
Ethereum đặc biệt được nhiều người chú ý, bởi vì công nghệ blockchain (chuỗi khối) thế hệ mới của nó. Trong khi đồng tiền ảo đầu tiên là bitcoin và nền tảng blockchain của nó được xem là một mạng lưới thanh toán, thì ethereum đã được thiết kế từ đầu để hỗ trợ các ứng dụng được gọi là hợp đồng thông minh. Hợp đồng thông minh là một chương trình máy tính có thể tự động thực hiện các điều khoản của một hợp đồng, khi điều kiện nhất định được đáp ứng.
Ethereum cũng đã nhận được hậu thuẫn từ một số công ty công nghệ lớn như Microsoft, giúp đẩy giá loại tiền này lên cao.
Theo Coinmarketcap, tính từ đầu năm 2017 đến sáng ngày thứ Năm này thì Ethereum đã tăng giá khoảng 4.100%.