- Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, trả lời: Trong dịp lễ, Tết, các buổi tiệc, liên hoan, nhiều người vẫn có thói quen ép người khác uống bia rượu. Tuy nhiên, đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Khoản 1, điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định nghiêm cấm các hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia.
Tại điểm b, khoản 3, điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt 1-3 triệu đồng đối với hành vi ép người khác uống rượu, bia. Mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần so với mức phạt đối với cá nhân.
Mặt khác, bản thân người ép buộc người khác uống rượu, bia có thể cũng không biết hành vi của mình là vi phạm, họ cho rằng đã là cuộc vui thì ngồi uống rượu, mời nhau là chuyện bình thường, hoặc bản thân họ hiểu, nhận thức rõ hành vi sai phạm của mình nhưng cố tình lờ đi và người bị ép uống rượu, bia cũng không có phản ứng.
Để chấm dứt tình trạng ép buộc nhau uống rượu, trước mắt bản thân người bị ép buộc uống rượu cần có thái độ rõ ràng, dứt khoát, chủ động báo cáo cơ quan chức năng để cơ quan chức năng có cơ sở xử lý, từ đó răn đe những người có ý định ép buộc người khác uống rượu. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể hơn nữa thế nào là ép buộc uống rượu để hiểu đúng, hiểu đủ, người dân dễ dàng thực hiện và cơ quan chức năng cũng dễ dàng xử lý khi có vi phạm.
Việc mời nhau rượu, bia xuất phát từ tình cảm giữa hai bên. Tuy nhiên cần phân biệt mời uống rượu, bia và ép buộc nhau uống rượu, bia để có hành xử phù hợp, thể hiện sự tôn trọng, lịch sự và văn minh.