Mỗi ngày, chúng ta lại buộc phải kể cho nhau những vụ suýt chết của bản thân và người quen.
Thế nhưng, nó-cái việc chở những tấm tôn sắc lẻm, chở lúa nhúa thanh sắt, chở một tấm gương to đùng chỉ cần một người ôm giữ sau xe máy, chở những khối hàng hóa nặng nề cồng kềnh đi lại trên phố, sát sàn sạt những cơ thể bằng máu và thịt di chuyển ùn ùn chung quanh, đã hoàn toàn là chuyện bình thường, quen mắt, mặc nhiên chấp nhận.
Chỉ cho đến khi máu của một em bé đổ thành vũng ngay bên cạnh thì hầu hết trong chúng ta mới chợt ngỡ ngàng, vì cái sự quen mắt này hóa ra lại không thể được làm cho quen mắt đến vậy.
Hóa ra, hàng ngày ra đường là chúng ta đang lướt sát cạnh tử thần.
Hóa ra, không chỉ có va đập, mất lái, ngã vào bánh xe tải... mới là nguyên nhân gây nên những cái chết khi đang lưu thông.
Tác giả Hoàng Xuân.
Hóa ra, khi thuê chở đến tận cổng nhà mình ít thanh sắt, miếng tôn, chiếc tủ lạnh, tấm kính to... bằng xe máy hay ba gác, thay vì tốn thêm ít tiền để thuê một chiếc xe tải vừa tầm, chúng ta đều đã là những đồng phạm tiềm năng của thần chết.
Thủ phạm và nạn nhân, đều là chúng ta.
Như chỉ mới hôm qua đây thôi, là trận chiến giữa hai phe cấm và bênh xe máy.
Cuộc chiến này không phải mới khơi lên vài năm nay.
> Mời xem những bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY
Cách đây từ hai chục năm, theo hiểu biết của tôi, đã có nơi đưa ra những chủ trương hạn chế xe máy. Giải pháp đó vốn được học từ những nước lân cận có hoàn cảnh tương tự, cũng không có gì mới mẻ so với chủ trương mà bây giờ Hà Nội định làm. Đó là cấm xe theo bảng số: ngày chẵn, biển chẵn được ra đường, ngày lẻ- biển lẻ.
Bản chất của chủ trương này cực kỳ đơn giản: chỉ nhằm hạn chế số xe máy ra đường trong một ngày. Hạn chế xe máy để có khoảng không cho những phương tiện giao thông khác. Để gây ra sự khó chịu, bất tiện trong những người quen dùng xe máy, nhằm buộc họ phải có lựa chọn cho phương tiện giao thông công cộng. Rồi chẳng muốn sở hữu xe máy nữa.
Để sau bước đầu tiên này sẽ tiến đến bước thứ hai là phát triển mạnh giao thông công cộng, khi số người sẵn sàng sử dụng nó đã tăng lên.
Chẵn hay lẻ chỉ là một cách thức. Tôi cho đó là cách thức vô cùng thông minh. Có thể có những cách thức tương tự: cấm xe biển số ngoại tỉnh, cấm theo giờ, cấm theo khu vực, hay thậm chí, cấm theo xe số hay xe tay ga, hoặc cấm theo màu xe, cấm theo bất cứ yếu tố nào cũng được.
Tôi cho rằng tất cả những yếu tố đó đều chỉ là thứ yếu, cốt cho người bị cấm dễ nhớ. Bản chất của chủ trương đó không thay đổi dưới bất cứ hình thức nào. Xin nhắc lại, đó là hạn chế xe máy.
Thế nhưng dư luận xã hội thời điểm đó đã công phẫn mãnh liệt, ồ, có lẽ mãnh liệt hơn hiện nay gấp nhiều nhiều lần. "Ngu xuẩn", "Vi phạm quyền tự do của công dân", "Rảnh quá bôi việc ra mà làm", "Vẽ chuyện để kiếm tiền bôi trơn chứ gì"... những phản biện như vậy đã ngay lập tức gây hoang mang cho người làm luật.
Dư luận lúc ấy đã bị bẻ quặt, hoàn toàn lệch hướng với mục đích hạn chế xe máy mà chĩa mũi nhọn sang những quyền thiêng liêng như dân chủ và sở hữu, liên tiếp giáng những đòn chí chết vào cảm xúc mong manh của đa số người dân Việt Nam.
Tiếng nói của lý trí hầu như không thể nghe được trong sự ầm ỹ ấy. Gần như ngay lập tức, cơ quan dự kiến lật đật lên tiếng xin lỗi và rút lại quyết định. Vâng vâng vâng, chúng tôi sai rồi, chẵn lẻ xin mời anh chị cứ đi, thoải mái, từ nay chúng tôi không dám nữa.
Và dư luận hoan hỉ vô biên, lập tức thét lên một hồi còi thắng trận.
Đáng thương cho chúng ta làm sao. Nếu chủ trương đó thành công, để ngay từ cách đây 20 năm xe máy đã được hạn chế. Thì bây giờ chúng ta đã có những làn đường rộng rãi và riêng biệt cho xe buýt, cho tàu điện ngầm và nổi, cho những hệ thống giao thông công cộng an toàn và văn minh. Chứ không phải đau thương ngồi chế những cái ảnh Hà Nội thất thủ, Sài Gòn thất thủ... vì xe máy, mỗi sáng chiều.
Giao thông là quy hoạch. Khi những làn đường được phân định rõ ràng cho các hệ thống giao thông công cộng hiện đại, người dân di chuyển chủ yếu bằng buýt và tàu điện...v.v thì thành phố chắc chắn phải tiến tới phân khu chức năng rành mạch cho làm việc, mua sắm, giải trí, công viên và nhà ở.
Một thành phố văn minh sẽ là nhà cao cửa rộng, phương tiện giao thông công cộng tiện lợi, chứ không phải những con hẻm hun hút nhà ống-xe máy, "đêm khuya ngõ sâu như không màu".
Khi người dân dùng phương tiện giao thông công cộng là chủ yếu để đi chuyển, sẽ chẳng còn những chuyến ba gác chở hàng chục mét thanh sắt kéo lệt sệt trên đường, hàng đống thanh nhôm vuông sắc cạnh chỉ giống như những cái chấm lòa nhòa cho đến khi bạn phi xe máy đến sát gần.
Sẽ chẳng còn cảnh cả gia đình bốn người chất lên một chiếc xe máy từ sáng đến tối và loạng choạng ngã xuống khi bánh xe chờm vào một vệt đường khấp khểnh. Chẳng còn những thanh niên bê cả một mâm thức ăn trên tay, tay kia vặn ga lao đi ngoằn ngoèo giữa các làn xe rối loạn để giao cho khách như màn xiếc kinh dị.
Những tấm tôn cắt ngọt chiếc cổ của một đứa trẻ đang chạy xe đạp trên đường chỉ là một biểu tượng cho sự nông nổi, ích kỷ, đổ tội... của không ít người dân. Tức là của chính anh, tôi, những người đang và chẳng thèm đọc bài viết này. Nó cũng là sự yếu nhược, buông xuôi, thiếu trách nhiệm của những người làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị.
Nhưng, họ cũng là người dân khi rời công sở. Như chúng ta, họ cũng đang trả giá.
Ở góc độ người thụ hưởng chính sách, cái cách người dân chúng ta nhận diện, phân tích và phản ứng với một sự kiện hầu như luôn luôn chứa sẵn giải pháp cho những nhà làm luật.
Như khi người ta nuôi gà, nuôi heo trên sân thượng trong khu dân cư cực kỳ đông đúc ở một quận trung tâm ngay giữa thủ đô, khi hàng rong, chợ cóc vẫn bít chặt các nẻo đường giao thông, khi một người chết bị bó chiếu chở trên xe máy mang về qua cả trăm cây số xuyên qua thành phố... thì rất nhiều người vẫn lấy lý lẽ mưu sinh của người nghèo (núp sau đó chỉ là sợ mất thói quen chống xe máy mua đủ các thứ ở lề đường) để kháng cự các đòi hỏi thay đổi tận gốc rễ.
Hoặc là, đòi hỏi một sự thay đổi hoàn hảo tuyệt đối, đúng đắn chính xác tuyệt đối như phép màu.
Lãng mạn thật! Chúng ta tư duy như chỉ cần vẫy một cái đũa thần lên là tẩy sạch được mọi di chứng của một nền giao thông nham nhở. Gào lên phản đối hiện trạng nhưng chúng ta không chịu trả một xu nào cho sự thay đổi.