Mục tiêu ban đầu của Musk là đưa một nhà kính trồng trọt lên bề mặt Sao Hỏa, và chính mục tiêu đó đã khiến ông đầu tư mạnh tay cho SpaceX trong gần 20 năm qua, thậm chí từng có lúc ước mơ này khiến tình hình tài chính của Musk trở nên vô cùng tồi tệ.
Nhưng hiện giờ mọi thứ đã khả quan hơn, và vị tỷ phú nổi tiếng đang cố gắng biến ước mơ vốn chỉ có trong phim viễn tưởng của con người trở thành sự thật: Loài người sẽ chinh phục nhiều hành tinh khác.
Ước mơ thì xa vời còn giải pháp thì đơn giản. Tính đến hiện tại, SpaceX vẫn đang thành công trong việc giảm mạnh chi phí gửi hàng hóa ra ngoài vũ trụ, thông qua hai cách: Tên lửa Falcon 9 với khả năng sử dụng lại nhiều lần cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, và tăng tần suất chuyến bay từ trái đất lên ISS. Vừa tái sử dụng được trang thiết bị, vừa tăng số chuyến khai thác, thì chi phí ắt sẽ giảm.
Mục tiêu của SpaceX với tàu Starship không chỉ là tư nhân hóa việc khám phá vũ trụ , mà còn giảm chi phí vận chuyển hàng hóa ra ngoài không gian, ngay từ ngày Starship còn được gọi bằng cái tên dài ngoằng nterplanetary Transport System. Trước đó vào tháng 5, Musk đã tự tin khẳng định chi phí vận chuyển hàng hóa trên tàu Starship từ trái đất lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất sẽ rơi vào khoảng 10 USD một kg, nghĩa là 1/3 chi phí cho một lần phóng tàu vũ trụ sẽ chỉ dành cho nhiên liệu cho động cơ tên lửa đẩy.
Phép tính của Musk nó như thế này, nhiên liệu phóng cho động cơ tên lửa đẩy là khoảng nửa triệu USD, phần còn lại cỡ 1 triệu USD là chi phí tái sử dụng, tân trang, thu hồi và vận chuyển thiết bị phóng. Con số này mới chỉ được tính sơ bộ, và hoàn toàn có thể thay đổi. Mục tiêu ban đầu khi thiết kế tàu Starship của SpaceX là đem được 150 tấn trang thiết bị lên quỹ đạo tầm thấp Trái đất. Chia 1,5 triệu USD chi phí cận biên mà Musk đưa ra cho 150 tấn hàng, chúng ta có "báo giá" 10 USD/kg, rẻ ngang tiền vé máy bay đi Mỹ.
Để đạt được con số này, tần suất các chuyến bay của SpaceX sử dụng tàu Starship sẽ phải rất cao, chứ không phải vài tháng mới có 2 nhiệm vụ sử dụng Falcon 9 và Crew Dragon như bây giờ. Chi phí ban đầu để đưa Starship ra ngoài không gian sẽ không thể thấp được như thế này, và phụ thuộc hoàn toàn vào vốn đầu tư của SpaceX trong việc sản xuất hệ thống phóng tàu. Quý II năm 2017, Musk tiết lộ SpaceX đã đầu tư 1 tỷ USD chỉ để phát triển công nghệ tên lửa dùng được nhiều lần.
Đối với Starship, SpaceX ước tính hệ thống bình trữ nhiên liệu của tàu sẽ mất 130 triệu USD để sản xuất. Những hệ thống nhiên liệu này là một trong ba phần chính của toàn bộ hệ thống tàu Starship, và SpaceX mới đây đã nhận được hợp đồng với NASA cùng 53 triệu USD để trình diễn hệ thống cấp nhiên liệu trong quá trình bay, qua đó giúp phát triển được hệ thống phóng của riêng họ.
Đến thời điểm hiện tại, SpaceX đã có 6 nguyên mẫu hệ thống nhiên liệu, nhưng chưa hoàn thiện. Chắc chắn chi phí nghiên cứu phát triển sẽ vượt xa chi phí tái sử dụng tàu, với giá 10 Đô một kg hàng gửi ra ngoài vũ trụ mà Musk đưa ra.
Phải có nhiều đối tác ký hợp đồng sử dụng dịch vụ, thì SpaceX mới phần nào bù lại được khoản chi phí phát triển khổng lồ của họ được.
Ngoài việc được chọn làm một trong ba giải pháp để NASA tiếp tục chinh phục mặt trăng vào năm 2024, SpaceX có một giải pháp khác để hoàn vốn, đó là hệ thống vệ tinh kết nối internet Starlink, vốn cũng là một dự án rất tham vọng của Elon Musk, đưa internet tới những nơi không có cơ sở hạ tầng dưới mặt đất.