Elon Musk sinh năm 1971 (tính theo lịch phương Đông, ông cầm tinh con lợn, tuổi Tân Hợi) tại Nam Phi trong một gia đình trung lưu, có cha là kỹ sư và mẹ làm người mẫu. Tuy nhiên, Elon có tuổi thơ không mấy êm đềm khi bị cô lập tại trường học và sớm chịu cảnh cha mẹ ly hôn năm 9 tuổi.
Từ nhỏ, Elon Musk đã bộc lộ tư chất khác thường, có phần lập dị và hay nói đến những mơ ước không tưởng về cuộc sống. Chính vì vậy, ông thường xuyên chịu cảnh bị bắt nạt tại trường. Có lần, Elon Musk bị đám bạn học xô ngã ở cầu thang và bị đánh đến thâm tím cơ thể.
Không bạn bè, Elon Musk tìm đến niềm vui trong sách vở. Ông dành 10 tiếng mỗi ngày để đọc sách, chủ yếu về khoa học. Năm lớp 4, Elon Musk đã đọc toàn bộ sách có trong thư viện trường, gồm cả bộ Bách khoa toàn thư Britannica.
Năm 9 tuổi, Elon Musk tìm thấy niềm đam mê thứ hai khi lần đầu tiếp xúc với chiếc máy tính Commodore VIC-20. Elon thành thạo mọi kỹ năng trong sách hướng dẫn lập trình chỉ trong 3 ngày, trong khi các kỹ sư phải mất 6 tháng để học.
12 tuổi, với những kiến thức tích lũy được, Musk thiết kế một video game với tên gọi Blastar và bán cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD (tương đương 1.200 USD hiện tại).
Sau khi tốt nghiệp trung học, Elon Musk chuyển tới Canada để học ở Đại học Queen ở thành phố Kingston. Trong thời gian này, ông làm thêm nhiều việc, từ xúc đất trong khoang nồi hơi, chân chạy vặt tại ngân hàng đến bán máy tính ở ký túc xá, kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí.
"Mỗi ngày tôi chỉ dám tiêu 1 USD cho thức ăn và nhu yếu phẩm cần thiết nhất", Elon tâm sự.
Nhờ một chương trình chuyển tiếp, Elon Musk sau đó chuyển tới Mỹ để tham gia học ở Đại học Pennsylvania. Chính thời gian này, ông đã có những ý tưởng sơ khai về việc khởi nghiệp.
Musk và một người bạn biến nhà mình thành một quán bar vào các dịp cuối tuần, với mức phí "ăn chơi" là 5 USD. "Tôi đã tự mình chi trả cho mọi chi phí Đại học và có thể kiếm được số tiền thuê cả tháng chỉ trong một đêm" - Musk nói.
Ông tốt nghiệp Đại học với bằng cử nhân về vật lý và một bằng kinh tế tại Trường Wharton, trước khi chuyển đến Stanford để học Thạc sỹ. Tuy nhiên, vừa học được vài ngày, Musk đã bỏ dở để cùng anh trai lập nên một startup Internet mang tên Zip2 - một phần mềm hướng dẫn du lịch trong thành phố dành cho các tờ báo. Được biết, cha của Elon Musk đã cung cấp khoảng 28.000 USD để làm tiền vốn.
4 năm sau, tức vào năm 1999, hai anh em bán Zip2 với giá 307 triệu USD, mang về cho Elon Musk 22 triệu USD. Ông đầu tư hơn một nửa số tiền này để cùng sáng lập ra X.com - một dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Công ty nhanh chóng sáp nhập với đối thủ và trở thành PayPal - Musk là một cổ đông lớn tại đây. Năm 2002, eBay mua lại PayPal và Musk bỏ túi khoảng 180 triệu USD.
Sau khi rời PayPal, Musk chuyển hướng sang công ty về khám phá vũ trụ mới thành lập - SpaceX. Một vài năm sau, ông tiếp tục đồng sáng lập ra công ty xe hơi điện Tesla, và nhà cung cấp hệ thống điện mặt trời SolarCity. Sự thành công của các công ty này đã đưa Musk vào hội các đại gia tỷ USD... Thế nhưng, ít ai biết rằng, trước khi điều này thành hiện thực, Musk từng lâm vào cảnh phá sản.
Cuối năm 2008, Elon Musk li dị người vợ đầu tiên, và vụ việc này đã khiến tài chính của ông bị lung lay. Một năm sau đó, Musk cho biết ông đã "hết sạch tiền" và phải sống nhờ tiền vay mượn từ bạn bè, trong khi cố gắng giữ cho các công ty mình quản lý tồn tại. Năm 2010, Tesla bước lên sàn chứng khoán, và đó cũng là lúc vận may và tài sản của Musk lên như diều gặp gió. Đến năm 2012, ông đã lần đầu góp mặt trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của tạp chí Forbes, với tài sản ròng lên đến 2 tỷ USD. Hơn 5 năm sau, khối tài sản của Musk đã tăng lên 20,4 tỷ USD.
Musk sở hữu nhiều bất động sản giá trị và siêu xe. Tuy nhiên ông tỏ ra không mấy hứng thú với việc tiêu xài tiền cho những thú vui nghỉ dưỡng xa hoa như những tỷ phú khác. Trái lại, ông còn nổi tiếng là doanh nhân "ham công tiếc việc" khi có thời kỳ Tesla rơi vào khó khăn, ông đã phải làm tới 80 - 90 giờ mỗi tuần.
Sau mỗi ngày làm việc, vị tỷ phú này tận hưởng những sở thích rất bình thường như nghe nhạc, chơi game, và đọc sách. "Dẫn con đi chơi, gặp bạn bè, những thứ bình thường" - ông nói. "Đôi lúc quậy tung Twitter lên. Nhưng thường thì nó liên quan công việc hơn".