Elon Musk là một nhân vật thú vị. Không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu được vị tỷ phú này đang có ý định gì. Ví dụ, nhiều người nghĩ việc ông vừa quản lý SpaceX lẫn Tesla là điều khá mâu thuẫn. Một số nói rằng Musk đang đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh. Số khác nói những việc ông đang làm thật lạc điệu.
Một mặt, sứ mệnh của Tesla là thôi thúc mở ra một thời đại mới với những phương tiện và giải pháp năng lượng sạch, qua đó cải thiện thế giới chúng ta đang sống. Mặt khác, SpaceX trông như một vé để loài người rời bỏ thế giới. Hơn nữa, một vụ phóng tàu của SpaceX thường sản sinh ra một lượng lớn CO2 – hoàn toàn trái ngược với mục tiêu mà Tesla đang cố hướng đến. Quả là rắc rối!
Với việc SpaceX mới đây vừa phóng thành công tàu Crew Dragon, và xe hơi Tesla đang ngày một phổ biến, hẳn bạn sẽ đặt câu hỏi: Tesla cần phải bán được bao nhiêu chiếc EV (xe hơi điện) mới đủ bù đắp thiệt hại về môi trường do một vụ phóng tàu của SpaceX? Và hệ quả của những vụ phóng tàu SpaceX sẽ nằm ở vị trí nào trong thang bậc những quan ngại về môi trường?
Hãy xem xét một vài số liệu đáng chú ý nhất để xem liệu chúng ta có thể rút ra được điều gì không. Chúng ta sẽ sử dụng các số liệu đối với tàu Falcon 9 của SpaceX bởi chúng có rất nhiều và cũng đã được phân tích rất chi tiết. Và do đó, "thử nghiệm" chúng ta đang tiến hành ở đây cũng chỉ nhằm mục đích đưa ra những đánh giá "chung chung" về các vụ phóng tàu SpaceX mà thôi.
Đầu tiên, các tên lửa vũ trụ đốt cháy một lượng kerosene (nhiên liệu tên lửa) khổng lồ mỗi lần được phóng. Theo một bài báo của HuffPost vào năm 2017, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đốt khoảng 112.000 lít kerosene trong mỗi lần phóng. Nghe có vẻ nhiều, nhưng một hồ bơi Olympic có thể chứa đến tận 2,5 triệu lít nước đấy!
Chuyển 112.000 lít kerosene ra khối lượng, thì nó sẽ tương đương khoảng 90.000 kg. Tên lửa Falcon 9 còn sử dụng oxygen lỏng trong hệ thống nhiên liệu, và không hề sử dụng carbon.
Vậy CO2 từ đâu ra? Carbon xuất phát từ kerosene (hydrocarbons), và theo nhiều tài liệu kỹ thuật, 1 kg kerosene tạo ra 3 kg CO2. Khi kerosene bị đốt cháy, nó kết hợp với oxygen để tạo ra CO2, khiến nó nặng hơn nhiên liệu gốc.
Như vậy, rất dễ để tính được lượng CO2 sản sinh ra từ việc đốt cháy lượng nhiên liệu kia. Con số chúng ta có là: 270.000 kg CO2.
Cần bao nhiêu chiếc Tesla để bù đắp thiệt hại với môi trường?
Tiếp theo, hãy xem Tesla làm được gì để giảm khí thải CO2 từ xe hơi, khi hãng này khuyến khích mọi người từ bỏ các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong và chuyển sang dùng EV.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, một chiếc xe chở khách trung bình thải ra 4.600 kg CO2 mỗi năm.
Nói cách khác, một vụ phóng tàu SpaceX sản sinh ra lượng CO2 tương đương 59 chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong trong một năm. Bạn có thể thấy lượng CO2 mà xe hơi sản sinh ra mỗi năm nhiều đến mức nào!
Trong 10 năm qua, SpaceX đã 89 lần phóng tên lửa Falcon 9 – tức khoảng 9 lần mỗi năm. Như vậy, lượng CO2 mà họ tạo ra mỗi năm tương đương với khoảng 529 chiếc xe hơi. Thành thật mà nói, chúng ta đều nghĩ con số này phải cao hơn rất nhiều mới phải!
Nếu chỉ xét đến khía cạnh khí thải, Musk sẽ phải thuyết phục được 530 tài xế (hoặc hơn) ngừng sử dụng xe hơi chạy xăng và chuyển sang xe hơi Tesla trong một năm (dựa trên khẳng định rằng EV không hề xả khí thải khi lái) để bù đắp được lượng CO2 sản sinh ra từ các vụ phóng tàu Falcon 9 của SpaceX trong một năm.
Tesla chỉ bán được hơn 367.000 xe trên toàn cầu trong năm 2019 – nhưng bạn nên biết rằng một khi đã lái Tesla, hầu hết tài xế đều chẳng hề nghĩ đến việc quay trở lại xe sử dụng động cơ đốt trong chỉ sau một năm cả. Có vẻ như Tesla rõ ràng đã làm quá tốt, và quá đủ, để bù đắp được lượng carbon thải ra từ các vụ phóng tàu SpaceX khi xét đến khía cạnh khí thải.
Nếu có đủ thời gian, và nếu truy xuất được đến các dữ liệu nhạy cảm, chúng ta sẽ có thể thấy được chính xác Musk cần bán bao nhiêu chiếc Tesla để bù đắp lại tác hại với môi trường mà các sứ mệnh thám hiểm của SpaceX gây ra. Nhưng ở thời điểm hiện tại, có vẻ như nếu xét đến lượng khí thải CO2 toàn cầu, thì các vụ phóng tàu SpaceX thực ra chỉ chiếm một phần rất không đáng kể.
Liệu chúng ta có thể tiếp tục thám hiểm không gian mà không cần quan tâm đến vấn đề sản sinh ra CO2 trong quá trình đó là một câu hỏi khó để trả lời. Dù các tên lửa sản sinh ra rất nhiều CO2, thông qua quan sát và nghiên cứu thế giới từ không gian, chúng ta có thể khám phá ra nhiều vấn đề giúp khắc phục tình trạng này trên chặng đường lâu dài trước mắt.
Nếu có thể rút ra được điều gì từ các thông tin nêu trên, thì đó là: đã đến lúc cần suy nghĩ nghiêm túc đến việc hạn chế sử dụng xe hơi chạy xăng và chuyển sang các hình thức giao thông khác thân thiện với môi trường hơn rồi.
Tham khảo: TheNextWeb