Eduard Einstein: Người con trai út bị lãng quên của nhà bác học Albert Einstein

Thùy Dương |

Eduard Einstein là người con trai út của nhà khoa học nổi tiếng nhất thời hiện đại Albert Einstein. Ông được cha đặc biệt yêu quý, nhưng có cuộc sống không mấy hạnh phúc và hầu như không được nhắc tới.

Eduard Einstein: Người con trai út bị lãng quên của nhà bác học Albert Einstein - Ảnh 1.

Bà Mileva và hai con trai năm 1914. Ảnh: Historydefined

Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, Einstein có hai con trai: Hans Albert Einstein và Eduard Einstein. Hans tiếp bước cha mình trở thành một kỹ sư nổi tiếng và chuyển đến Mỹ. Nhưng cuộc sống của Eduard kém may mắn hơn nhiều. Sau cả quãng đời gặp khó khăn về sức khỏe và trải qua nhiều bi kịch, Eduard qua đời ở tuổi 55, chỉ sống lâu hơn cha mình 10 năm.

Eduard chào đời ở Zurich (Thụy Sĩ) vào ngày 28/7/1910. Bốn năm sau, gia đình Einstein chuyển đến Berlin (Đức) vì công việc của ông.

Lúc này, gia đình gồm có Einstein, người vợ đầu tiên của ông là Mileva Maric, bé Hans 10 tuổi và Eduard 4 tuổi. Einstein thường trìu mến gọi Eduard là Tete, một cái tên gọi tắt của từ tiếng Pháp “petite” nghĩa là nhỏ bé, vì cậu bé là con út.

Tuy nhiên, Einstein và vợ Mileva đã ly hôn ngay sau khi chuyển tới Đức và bà Mileva đã đưa các con trở về Thụy Sĩ cùng mình. Mặc dù gia đình đã ly tán nhưng Einstein vẫn thăm các con. Để dành thời gian bên các con, ông thậm chí còn đưa các con theo trong các chuyến đi của mình.

Bà Mileva khẳng định rằng khoa học luôn được đặt lên hàng đầu trong cuộc đời Einstein, nhưng Hans vẫn nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ về những chuyến đi cùng cha. Năm 1919, Einstein tái hôn. Năm 1933, ông di cư sang Mỹ để tránh Đảng Quốc xã đang trỗi dậy ở Đức. Nhưng ông luôn dõi theo các con mình và truyền cảm hứng cho các con phát triển.

Eduard là một đứa trẻ ốm yếu, bệnh tật nên thường xuyên bỏ lỡ những chuyến đi mà cha cậu đã lên kế hoạch cho các con. Phần lớn thời thơ ấu, Eduard phải đi từ bệnh viện này tới bệnh viên kia cùng cha mẹ để tìm phương pháp điều trị căn bệnh của mình.

Điều này làm Einstein lo lắng, sợ rằng Eduard sẽ không bao giờ có được một cuộc sống bình thường. Ông thậm chí còn viết trong một bức thư rằng: “Eduard không thể trở thành một người phát triển toàn diện được”.

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn sức khỏe, Eduard vẫn học rất xuất sắc và dường như tiếp bước cha mình. Anh say mê nghệ thuật và thơ ca, dành hàng giờ để sáng tác những tác phẩm riêng.

Eduard Einstein: Người con trai út bị lãng quên của nhà bác học Albert Einstein - Ảnh 2.

Albert Einstein và hai con trai. Ảnh: Historydefined

Einstein cũng gợi ý các công trình của bác sĩ thần kinh Sigmund Freud cho Eduard và anh nhanh chóng bị ám ảnh bởi các lý thuyết của Freud, có lẽ vì các lý thuyết này có liên quan đến những vấn đề sức khỏe tâm thần của chính mình. Đây chính là nguồn gốc khiến Eduard quan tâm đến lĩnh vực tâm thần học.

Năm 1929, Eduard bắt đầu theo học tại Đại học Zurich, trường cũ của cha, theo đuổi bằng y khoa với chuyên ngành là tâm thần học. Mặc dù học giỏi ở lớp nhưng anh lại phải vất vả vì luôn sống dưới cái bóng danh tiếng của cha mình.

Vào thời điểm này, Einstein đã nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực vật lý lý thuyết. Điều đó gây thêm áp lực cho con trai ông, người vốn đang gặp khó khăn với bệnh tâm thần. Sau đó, lại giống cha mình, Eduard đã phải lòng một cô gái lớn tuổi hơn ở trường đại học.

Albert Einstein đã gặp bà Mileva khi còn học tại Học viện Bách khoa Zurich và trở nên đắm đuối với bà dù bà hơn ông bốn tuổi. Tuy nhiên, không giống như cha, mối quan hệ của Eduard đã tan vỡ.

Khi không thể chịu đựng được nỗi đau, Eduard đã tìm cách tự kết liễu đời mình. Sự việc này khiến Eduard phải nhập viện Burghölzli lần đầu tiên để điều trị tình trạng sức khỏe tinh thần. Sau này, anh còn phải vào bệnh viện này nhiều lần nữa.

Năm 22 tuổi, Eduard bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt. Khi ở bệnh viện, anh đã được điều trị bệnh này bằng liệu pháp sốc điện, tức là đưa dòng điện qua não để gây co giật và thay đổi tính chất hóa học của não.

Mặc dù dùng sốc điện để điều trị nhưng gia đình Eduard cho rằng chính liệu pháp này đã khiến tình trạng của anh trở nên tồi tệ hơn trong suốt cuộc đời. Cuối cùng, khả năng nói và thậm chí cả suy nghĩ của Eduard đã bị tổn hại không thể khắc phục được.

Einstein rất đau lòng trước tình trạng và trạng thái tinh thần sa sút của con trai, nhưng ông không thể làm gì hơn ngoài việc gửi tiền về hỗ trợ gia đình.

Khi buộc phải rời khỏi Đức vào năm 1933, Einstein đã thuyết phục Hans cùng mình di cư sang Mỹ. Ông cũng cố gắng thuyết phục Eduard. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng xấu đi của Eduard đã khiến anh không thể thực hiện được cuộc hành trình. Điều này buộc Einstein phải nói lời từ biệt cuối cùng với con trai út trước khi rời đi.

Sau khi Einstein và Hans rời châu Âu, bà Mileva một mình chăm sóc Eduard. Ngay cả với số tiền Einstein gửi khi làm việc ở Princeton (Mỹ), chi phí chăm sóc Eduard vẫn trở nên quá lớn.

Bà Mileva đã làm mọi thứ có thể để giúp con trai, viết cả thư cho nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung để cầu xin hỗ trợ, nhưng ông chưa bao giờ trả lời thư. Năm 1948, bà Mileva qua đời và Eduard được chăm sóc của Bệnh viện Burghölzli trong suốt quãng đời còn lại.

Eduard dành thời gian làm thơ và sáng tác nghệ thuật. Ông vẫn viết thư cho cha mình cho đến khi Einstein qua đời vào năm 1955. Sau đó, Eduard qua đời năm 1965 vì một cơn đột quỵ.

Có thể nói rằng trong cả cuộc đời mình, Eduard đã sống dưới cái bóng của một người cha nổi tiếng dù ông không có mặt cạnh mình. Eduard thừa hưởng trí tuệ và óc tò mò của cha, nhưng bệnh tâm thần và các biện pháp trị liệu khắc nghiệt đã cản trở hoạt động và khả năng hòa nhập xã hội.

Bất chấp hoàn cảnh, Eduard đã cố gắng sống một cuộc sống tràn ngập những thứ mà mình yêu: nghệ thuật, thơ ca và gia đình.

(Historydefined)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại