"Nên mặc gì đi làm?" là câu hỏi phổ biến của những người lao động sau khi lệnh cách ly được nới lỏng tại nhiều nước và các nhà máy, doanh nghiệp mở cửa trở lại.
Tuy nhiên đối với chính phủ và nhiều nền kinh tế, những ảnh hưởng của Covid-19 còn kéo dài và câu hỏi phổ biến mà mọi nhà hoạch định chính sách đều đắn đo là "Làm sao đủ tiền nuôi người dân?" sau khi mở cửa trở lại.
Mới đây, tờ Economist đã thực hiện nghiên cứu với 66 nền kinh tế mới nổi cũng như xếp hạng khả năng tài chính của từng thị trường theo tiêu chí nợ công, nợ nước ngoài, chi phí tín dụng và dự trữ ngoại hối. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi về hệ thống tài chính vững chắc để có thể mở cửa trở lại sau dịch Covid-19.
Đứng đầu bảng xếp hạng là Botswana, Hàn Quốc và một số nền kinh tế khác. Xếp cuối bảng là Venezuela.
Mong manh sau dịch Covid-19
Theo nghiên cứu của Economist, các nền kinh tế mới nổi hiện có tới 17 nghìn tỷ USD nợ công, tương đương 24% tổng số nợ công trên toàn cầu. Khoảng 18 nền kinh tế mới nổi đã bị Fitch hạ mức tín nhiệm trong năm 2020, mức cao kỷ lục, bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Đơn cử như Argentina đã không thể thanh toán 500 triệu USD trái phiếu quốc tế mới đây và nếu họ không thể thương thảo với các nhà đầu tư trước ngày 22/5, nền kinh tế này sẽ vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử.
Tương tự, Ecuador cũng đã phải hoãn thanh toán 800 triệu USD lãi trái phiếu vì dịch Covid-19. Trong khi đó Lebanon (Li Băng) đã chính thức vỡ nợ 1,2 tỷ USD trái phiếu từ tháng 3/2020, còn Venezuela thì đã vợ nợ từ rất lâu trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Hiện hơn 100 quốc gia trên thế giới đang đề nghị Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) giúp đỡ. Thậm chí một số nền kinh tế như Ai Cập đã là khách quen thường xuyên của IMF sau khi vừa mới trả xong khoản nợ từ năm 2016. Tổ chức tài chính này cũng đã nhanh chóng thông quá 40 khoản vay nhỏ để giúp đối phó dịch Covid-19.
Tất nhiên IMF có lý do để trợ giúp các nền kinh tế mới nổi bởi những quốc gia này đóng vai trò then chốt trong đà hồi phục của kinh tế thế giới cũng như hệ thống tài chính toàn cầu.
Số liệu của Viện tài chính quốc tế (IIF) cho thấy kể từ tháng 1/2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 100 tỷ USD khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi. Con số này cao gấp 3 lần so với cùng kỳ khi cuộc khủng hoảng 2008 bắt đầu diễn ra.
Tâm lý lo lắng, áp lực đang lan rộng khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng hàng loạt ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi khác tung tiền ra để cứu thị trường.
Tuy nhiên theo Economist, không phải nền kinh tế mới nổi nào cũng yếu đuối trước dịch Covid-19. Các quốc gia như Nga, Peru, Philippines đều có hệ thống tài chính khá mạnh để có thể chống chọi với dịch Covid-19 kể cả sau khi mở cửa trở lại.
Theo nghiên cứu, dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế ra khỏi trong nhà, nền xuất khẩu đình trệ và làm xói mòn dòng vốn nước ngoài với các nền kinh tế mới nổi. Dự đoán của IMF cho thấy kể cả khi dịch Covid-19 dần biến mất trong nửa cuối năm 2020 thì tăng trưởng bình quân của các nước đang phát triển cũng sẽ thấp hơn 6,6% so với dự đoán trước đó.
Với tình hình hiện nay, Economist cho rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ phải ít nhất 2,5 nghìn tỷ USD cứu trợ, vay ưu đãi hay từ chính kho dự trữ ngoại hối của mình để có thể sống sót sau khi dịch Covid-19 dần qua đi.
Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đã quyết định giãn thời gian thanh toán nợ cho 77 nước nghèo sau dịch Covid-19. Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hiện cũng đang khuyến khích những chủ nợ tư nhân giãn nợ cho khách hàng.
Nghiên cứu của Economist cho thấy phần lớn những nền kinh tế mới nổi nhưng lớn như Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc... đều dễ dàng chống chịu được những hệ lụy của Covid-19 trong khi hầu hết các nền kinh tế nhỏ đều không đủ tiền để sống sót.
Khoảng 30 nước đứng cuối bảng xếp hạng có GDP chỉ bằng 11% tổng GDP của 66 nền kinh tế.
Rõ ràng, sức khỏe của mỗi nền kinh tế mới nổi là khác nhau và khả năng chống chịu với hệ lụy của dịch Covid-19 cũng khác. Do đó, các tổ chức tài chính và những nước giàu cần có biện pháp giúp đỡ nhằm tránh một cuộc khủng hoảng toàn diện trên thế giới sau dịch Covid-19.