Ở Việt Nam, không nhiều người có đủ khả năng để sở hữu một chiếc "xế hộp". Nhưng số lượng chủ sở hữu ô tô đang tăng, gây lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường và ùn tắc. Mức độ tiêu thụ ô tô, xe tải tăng 55% trong năm 2015. Phần lớn lưu thông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
So với nhiều nước láng giềng, các thành phố lớn của Việt Nam tương đối "thoáng". Mặc dù số lượng xe máy ở vào khoảng 40 triệu nhưng vẫn có thể đi sóng hàng mười ở những đại lộ lớn hoặc luồn lách qua ngõ nhỏ. Ngược lại, xe ô tô khiến đường bị nghẽn.
Chỉ 9% khu vực ở trung tâm Hà Nội có đường cấp I và cấp II. Trong khi đó, tại Manhattan, trung tâm New York (Mỹ), con số này là 32%. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới năm 2011, nếu mức độ sử dụng ô tô lên tới ngưỡng được xem là vừa phải ở Malaysia thì Hà Nội sẽ buộc phải ngừng lại.
Học giả Arve Hansen nhận định: Hiện nay nhiều mâu thuẫn vẫn còn tồn tại. Dù là nước phát triển ngành công nghiệp lắp ráp ô tô nhưng Việt Nam lại đánh thuế rất nặng đối với người tiêu dùng. Một phần nguyên nhân là do sợ tắc đường.
Tuy nhiên, vấn đề này có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới khi các thỏa thuận thương mại gần đây được áp dụng. Dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào năm 2018, hiệp định thương mại với các nước láng giềng Đông Nam Á sẽ tạo điều kiện cho xe ô tô giá rẻ từ Thái Lan tràn vào thị trường Việt Nam.
Mong muốn sở hữu một chiếc ô tô vẫn sẽ gia tăng dù đường xá có tắc nghẽn. Nguy cơ va chạm với ô tô sẽ khiến việc lưu thông bằng xe máy trở nên nguy hiểm hơn.
Khi ai nấy đều biết mình sẽ phải mất nhiều thời gian để chen chúc trên những con đường, chắc hẳn họ sẽ thích ngồi điều hòa trong xe ô tô hơn là đổ mồ hôi trên yên xe máy.
Mất nhiều thời gian để di chuyển cũng là lý do khiến người Việt ngại đi xe buýt. Số lượng người sử dụng xe buýt công cộng tại Hà Nội đã giảm 14% chỉ trong vòng một năm.
Trước tình trạng này, hệ thống tàu điện đô thị thực sự là một giải pháp.
Tuyến đầu tiên trong số 6 tuyến tàu điện hiện đang được xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh; 2 tuyến đường sắt trên cao cũng đang trong quá trình thi công tại Hà Nội. Nhưng sẽ phải mất nhiều năm mạng lưới này mới có thể hoàn thành, trong khi đó, các thành phố thay đổi từng ngày.
Các nhà chức trách đang nỗ lực tìm các phương án khác. Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đang bàn thảo về khả năng thu hẹp vỉa hè để mở rộng đường, còn Hà Nội thì muốn sử dụng hệ thống xe buýt hiệu quả hơn.
Họ nghĩ rằng, những cải thiện trong hệ thống giao thông công cộng sẽ cho phép Hà Nội cấm xe máy đi vào khu vực nội thành. Và có lẽ tình hình sẽ còn tích cực hơn khi cấm luôn cả ô tô.