Earth Overshoot Day - thời điểm nhân loại lạm dụng tài nguyên vượt ngưỡng phục hồi của Trái đất lại đến, và nó là sớm nhất lịch sử

HN |

Ngày Trái đất vượt ngưỡng ngày càng đến sớm, con người đã sử dụng hết tài nguyên trong năm nay!

Ngày 29/7 đã đánh dấu một ngày vô cùng đáng ngại đối với Trái đất của chúng ta - Ngày Trái đất vượt ngưỡng (Earth Overshoot Day – EOD). Kể từ ngày này, con người đã chính thức sử dụng hết nguồn tài nguyên mà hành tinh có thể phục hồi trong cả năm 2019. Hay nói cách khác mọi hành động của con người từ giờ phút này chính là tước đi một phần tài nguyên bền vững của các thế hệ sau.

Earth Overshoot Day - thời điểm nhân loại lạm dụng tài nguyên vượt ngưỡng phục hồi của Trái đất lại đến, và nó là sớm nhất lịch sử - Ảnh 1.

Ngày Trái đất vượt ngưỡng là thế nào?

Trước thập niên 70 của thế kỷ 20, mức tiêu thụ tài nguyên của con người vẫn nằm trong tầm Trái đất có thể phục hồi. Tuy nhiên, con người ngày càng khai thác vô độ, và rốt cục tháng 12/1973 chính là năm đầu tiên chúng ta sử dụng tài nguyên vượt ngưỡng phục hồi trong năm.

Năm 2019, ngày này rơi vào 29/7. Nó sớm hơn 2 ngày so với năm 2018 (1/8/2018) trong khi năm 2017 là ngày 3/8. Hay nói cách khác, Earth Overshoot Day đang ngày càng đến sớm hơn, và năm nay chính là thời điểm sớm nhất trong lịch sử.

Earth Overshoot Day - thời điểm nhân loại lạm dụng tài nguyên vượt ngưỡng phục hồi của Trái đất lại đến, và nó là sớm nhất lịch sử - Ảnh 2.

Theo tổ chức bền vững quốc tế Global Footprint Network (GFN), Ngày Trái đất vượt ngưỡng đã đến sớm hơn tổng cộng hai tháng trong suốt 20 năm qua. Điều này đồng nghĩa, con người hiện đang sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhanh gấp 1,75 lần so với tốc độ phục hồi của hệ sinh thái.

Nói cách khác, chúng ta có một hành tinh, nhưng lại sử dụng lượng tài nguyên tương đương 1,75 lần khả năng tải được nó.

Ngày Trái đất vượt ngưỡng là gì?

Earth Overshoot Day là một chiến dịch của tổ chức GFN đề ra nhằm cảnh tỉnh con người về các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn của Trái đất.

Ngày này được tính bằng cách so sánh lượng tài nguyên sinh thái mà Trái đất có thể tái tạo trong một năm với nhu cầu tiêu thụ của loài người trong năm đó.

Mathis Wackernagel, người đồng phát minh ra thuật ngữ Ecological Footprint (Dấu chân sinh thái) và là người sáng lập GFN cho biết: "Chúng ta chỉ có MỘT Trái đất – đây là con số xác định cuối cùng cho sự tồn tại của loài người. Chúng ta không thể lạm dụng đến 1,75 Trái đất và nghĩ rằng sẽ không gây ra sự tổn hại nào."

Earth Overshoot Day - thời điểm nhân loại lạm dụng tài nguyên vượt ngưỡng phục hồi của Trái đất lại đến, và nó là sớm nhất lịch sử - Ảnh 3.

Nếu toàn bộ người trên Trái đất sống như người Mỹ, chúng ta sẽ cần đến 5 Trái đất mới đủ

Chỉ trong vòng bảy tháng đầu năm, con người đã sử dụng cạn kiệt lượng nước, đất, không khí sạch và các tài nguyên khác mà hành tinh có thể tái tạo trong năm 2019. Từ nay cho đến tháng 12, tất cả tài nguyên chúng ta sử dụng đều là tài nguyên không bền vững (khó có thể tái tạo) trong tương lai.

Bên cạnh đó, hầu như mọi chất thải của loài người vượt ra khỏi vòng tuần hoàn tự nhiên, và có khả năng gây tổn hại đến môi trường. Quá trình tái tạo chất thải diễn ra quá chậm, trong khi quá trình tiêu thụ tự nhiên (như khai thác và tiêu thụ rau, thịt, cá,…) lại diễn ra quá nhanh.

Theo GFN, sự vượt ngưỡng xảy ra do chúng ta đã sử dụng hết nguồn vốn sẵn có của tự nhiên. Và cái giá mà chúng ta phải trả ngày càng biểu hiện rõ ràng qua việc phá rừng, xói mòn đất, mất dần đa dạng sinh học, hay tích tụ ngày càng nhiều CO2 trong khí quyển.

Earth Overshoot Day - thời điểm nhân loại lạm dụng tài nguyên vượt ngưỡng phục hồi của Trái đất lại đến, và nó là sớm nhất lịch sử - Ảnh 4.

#MoveTheDate - chiến dịch hướng đến tương lai để Dời ngày vượt ngưỡng

#MoveTheDay là một chiến dịch con của Ngày Trái đất vượt ngưỡng, được đưa ra với mục tiêu đẩy lùi ngày vượt ngưỡng năm ngày mỗi năm. Điều này "cho phép nhân loại đạt được tỷ lệ tương thích 1:1 với hành tinh trước năm 2050."

Earth Overshoot Day - thời điểm nhân loại lạm dụng tài nguyên vượt ngưỡng phục hồi của Trái đất lại đến, và nó là sớm nhất lịch sử - Ảnh 5.

GFN cho biết chúng ta có thể thực hiện chiến dịch này trong năm lĩnh vực: đô thị, năng lượng, thực phẩm, dân số và hành tinh.

Chẳng hạn, việc cắt giảm 50% lượng khí thải CO2 từ việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp dời được thời điểm này lên tận 93 ngày.

Trong lĩnh vực đô thị, có thể xem xét việc thiết kế và quản lý lại đô thị từ những đô thị tự phát lộn xộn, ngổn ngang chiếm diện tích thành các đô thị tích hợp nhỏ gọn.

Trong lĩnh vực thực phẩm, cần ưu tiên sản xuất thực phẩm từ thực vật hơn thực phẩm từ động vật vì ngành công nghiệp thực phẩm hiện tại đang sử dụng nhiều hơn 50% khả năng tái tạo sinh học của hành tinh.

Trong lĩnh vực hành tinh, bảo vệ thiên nhiên thông qua bảo tồn sinh học, tái trồng rừng và canh tác tái sinh sẽ là những hoạt động then chốt cho việc phát triền bền vững. GFN cũng khuyến nghị việc trao quyền cho phụ nữ "sẽ giúp tạo nên các gia đình có quy mô nhỏ hơn, lành mạnh hơn và được giáo dục tốt hơn".

Làm thế nào để cải thiện tính bền vững

Có nhiều điều mà mỗi cá nhân chúng ta có thể làm để giúp Trái đất tiến tới phát triển bền vững như:

• Tái chế

• Cắt giảm sử dụng năng lượng tại nhà

• Giảm thiểu chất thải

• Trồng trái cây, rau và các loại thảo mộc tại gia

• Sử dụng các đồ gia dụng tiết kiệm năng lượng

• Tái chế chất thải thành phân hữu cơ

• Lập nhóm sử dụng xe chung và sử dụng phương tiện giao thông công cộng

• Nói không với đồ nhựa

• Mua đồ từ các cửa hàng từ thiện

• Cắt giảm tiêu thụ thịt

Bằng những hành động nhỏ trên, bạn đã có thể giúp đỡ phần nào chiến dịch #MoveTheDate, mở ra cơ hội phục hồi một Trái đất xanh, sạch và phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai.

Tham khảo: Evening Standard

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại