Ðề xuất khai thác dữ liệu dân cư: Không nên thương mại hóa

Tuấn Nguyễn |

Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ hoàn toàn không nên (nói đúng hơn là không được) cho phép mua bán, thương mại hóa thông tin cá nhân. Bởi lẽ, trên thực tế, quyền tự do, riêng tư của công dân cần được tôn trọng, bảo mật tối đa. Nếu cho làm, chỉ doanh nghiệp là được lợi.

Dữ liệu chỉ trao đổi khi tạo giá trị chung cho xã hội

Vừa qua, phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Nguyễn Ðức Chung đề xuất Chính phủ cho TP.Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. 

Theo ông Chung: “Nếu được đồng ý, mỗi năm thành phố sẽ thu được trên 300 tỷ đồng”.

Ðề xuất khai thác dữ liệu dân cư: Không nên thương mại hóa - Ảnh 1.

Minh họa: Khều.

Theo một cán bộ ngân hàng, việc mua bán thông tin cá nhân giữa chính quyền với ngân hàng ở đây có thể hiểu theo hướng giúp ngân hàng lập danh sách khách hàng tiềm năng để giới thiệu, khai thác các dịch vụ tương xứng với độ tuổi (bảo hiểm, tín dụng, các gói vay ưu đãi...).

Vị này cũng cho rằng, về quy định, riêng với việc mở thẻ ngân hàng, quy định pháp luật bắt buộc khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để thực hiện.

Dù vậy, với kinh nghiệm làm việc tại ngân hàng, TS. Huỳnh Thế Du - giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cũng bày tỏ những băn khoăn.

Ông Du cho rằng: Những thông tin cá nhân cơ bản, có thể chia sẻ được nếu tạo ra những giá trị chung cho xã hội và nên được sử dụng miễn phí.

Còn việc mua bán thông tin cá nhân cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng để phục vụ lợi ích riêng của họ cần phải thu phí theo quy định của pháp luật và thực hiện theo quy định riêng.

“Còn những thông tin riêng tư, ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân thì pháp luật đã quy định rõ không được mua bán, chia sẻ”, ông Du khẳng định.

Cần thận trọng

Theo TS Phạm Chi Lan, Chính phủ cần thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân với mục đích để có thu nhập về kinh tế.

Bởi lẽ, những thông tin cá nhân đó công dân buộc phải khai báo với chính quyền để quản lý, nhất là khi thay đổi thẻ căn cước công dân để tạo thành bộ hồ sơ dữ liệu quốc gia về cư dân.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ai cũng mua được, tiếp cận được, ngay cả các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng cũng không có quyền.

“Ngân hàng có trách nhiệm bảo vệ bí mật của khách hàng, tiền nong, tài sản của họ. Các vị nắm giữ được một số bí mật của người ta giờ không thể nào mua đi bán lại cho bên thứ 3.

Khi có sự cố gì xảy ra với công dân, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc bảo mật thông tin này? Hay lúc đó ngân hàng lại nói rằng, bán là việc của tôi, còn lộ thông tin thì người mua phải chịu trách nhiệm?”, bà Lan phân tích.

Cũng theo chuyên gia Phạm Chi Lan, Hiến pháp và các luật liên quan như Luật căn cước công dân đều bảo vệ quyền riêng tư của công dân. “Giữa các cơ quan pháp luật với nhau khi cần có thể trao đổi thông tin dữ liệu cư dân.

Ví dụ khi có một vụ việc gì đó liên quan đến công dân, cơ quan pháp luật cần trao đổi để xác minh, nhất là không để cho người dân bị oan sai. Song, việc này chỉ dừng ở mức độ các cơ quan nhà nước với nhau”, vị chuyên gia phân tích.

Bàn về nguồn thu tài chính, ngân sách, TS. Phạm Chi Lan cho rằng, chính quyền đã có rất nhiều nguồn thu, người dân đang è cổ ra nộp đủ các khoản thuế, phí hằng ngày.

Riêng đối với ngân hàng, có ý kiến cho rằng, việc ngân hàng mua được thông tin cá nhân của công dân sẽ giúp cho các giao dịch giữa 2 bên (khách hàng - ngân hàng) thuận tiện, nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, theo bà Lan việc này không cần thiết.

Bởi theo bà, ngay từ khi mở thẻ ngân hàng, khách hàng đã phải cung cấp chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước, các thông tin cá nhân cơ bản.

Nếu khách hàng đổi thẻ căn cước, họ phải trực tiếp đến cập nhật với ngân hàng, việc này cũng không mất nhiều thời gian. Những thông tin, dữ liệu khác, theo bà Lan, ngân hàng không cần biết, không có quyền biết.

“Tôi có tiền thì tôi cứ gửi. Còn nếu tôi vay một khoản tiền lớn, ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, cân nhắc chuyện cho vay, ngân hàng không có quyền biết tài sản của tôi”, bà Lan cho hay.

Nhìn rộng ra thế giới, theo TS Phạm Chi Lan, ở các nước tiên tiến, quyền tự do, riêng tư của công dân được tôn trọng, bảo mật tối đa.

Hệ thống quản trị dữ liệu của công dân do Nhà nước nắm giữ. Hồ sơ tư pháp của công dân chỉ cung cấp cho công dân khi họ yêu cầu hoặc cơ quan pháp luật cần xác minh vấn đề gì đó, theo đúng luật pháp quy định, hoàn toàn tách bạch với hệ thống kinh doanh.

“Chẳng hạn, Mark Zuckerberg - đồng sáng lập, CEO của Facebook vừa trải qua 10 tiềng điều trần với gần 100 nghị sĩ Mỹ về việc kiểm soát facebook, việc thu thập thông tin cá nhân trái phép...”

TS Lê Ðăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng thắc mắc: “Tôi không biết cơ sở pháp lý nào, dựa vào luật nào, nghị định nào mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội lại đề xuất Chính phủ cho TP. Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác”.

“Luật Căn cước công dân cũng đã nêu rõ việc thu thập thông tin cá nhân của công dân để phục vụ cho công tác quản lý nhân sự của Bộ Công an. Bây giờ, chính quyền muốn bán cho ai, bán nhằm mục đích gì cần làm rõ”.

TS Lê Ðăng Doanh nói và nhấn mạnh: không nên thương mại hóa thông tin dữ liệu cá nhân, phải bảo vệ quyền riêng tư của công dân.

Ðể tránh tình trạng lạm quyền hoặc thất thoát nguồn thu, nguyên Viện trưởng CIEM này cũng cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính phải có những văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể mức thu, đối tượng thu phí và chế tài xử phạt với trường hợp, cơ quan tổ chức vi phạm.

Ý kiến người dân về việc bị lộ thông tin cá nhân:

Anh Nguyễn Xuân Hải (44 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc thông tin cá nhân nếu được mua bán sẽ khiến người dân gặp nhiều phiền phức. Làm lãnh đạo một công ty tư nhân, anh cho biết, thi thoảng tôi phải giật mình, toát mồ hôi khi nhận được những cuộc gọi hoặc nhắn tin từ người lạ "giả danh" công an, cán bộ thuế...gọi đến đe dọa về việc phát hiện các dấu hiệu lách thuế, trốn thuế, yêu cầu chuyển một khoản tiền vào tài khoản của công an để phục vụ công tác điều tra. Sợ nhất là không hiểu sao những người này lại có số điện thoại, thông tin của tôi.

Bà Nguyễn Thị Hoa (50 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) nói: "Tôi bức xúc khi thường xuyên nhận được điện thoại mời chào tham gia các kỳ nghỉ dưỡng ở resort cao cấp, mời dự các cuộc tri ân khách hàng của các công ty A,B,C...; tin nhắn quảng cáo khuyến mãi của các ngành hàng dịch vụ, dù cá nhân tôi không hề có nhu cầu và cũng không biết họ lấy đâu ra.

Tuấn Nguyễn (ghi)

"Tôi cực kỳ khó chịu khi điện thoại di động của mình thường xuyên nhận được các tin nhắn, cuộc gọi chào mời bán hàng, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe...Các nhà mạng đang phải xử lý còn chưa xong vấn đề này. Dữ liệu khác của công dân còn quan trọng hơn. Chính quyền hoàn toàn không nên, nói đúng hơn là không được phép mua bán, thương mại hóa thông tin cá nhân".

Chuyên gia Phạm Chi Lan

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại