Duyệt binh Triều Tiên 2020: Ông Kim Jong-un đang đi lại con đường cũ của Đặng Tiểu Bình?

An An |

Đây là lần đầu tiên quân đội Triều Tiên thể hiện một diện mạo hoàn toàn mới kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền.

Vào ngày 10/10, Triều Tiên đã tổ chức duyệt binh rầm rộ vào ban đêm nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Trong cuộc duyệt binh này, quân đội Triều Tiên đã thể hiện một diện mạo mới và nhận được sự quan tâm chưa từng có.

Về mặt nhân sự, điều đáng nói trong cuộc duyệt binh lần này là việc các sĩ quan quân đội Triều Tiên đã bỏ hình thức "springy step" (tạm dịch bước chân lò xo) từ thời ông Kim Jong Il và chuyển sang hình thức bước đá thẳng. Theo giới quan sát, điều này chứng tỏ tố chất thể lực của quân đội Triều Tiên đã được cải thiện.

Về trang bị, cuộc duyệt binh lần này trưng bày nhiều loại vũ khí và trang bị như xe tăng mới, bệ phóng tên lửa mới v.v...

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng nói rằng chiến tranh hiện đại là chiến tranh bằng pháo binh, trên cơ sở đó, quân đội nước này rất coi trọng việc phát triển các bệ phóng tên lửa cỡ nòng lớn. Trong lễ duyệt binh, quân đội Triều Tiên đã trình làng các bệ phóng tên lửa cỡ 240mm và cỡ 300mm. Dù chưa biết hiệu suất ra sao nhưng nếu triển khai gần vĩ tuyến 38 chắc chắn sẽ gây tổn thất lớn cho Hàn Quốc.

So với nhiều trang bị mới trên mặt đất, không quân Triều Tiên chỉ có một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay chiến đấu cường kích Su-25 trong cuộc duyệt binh. Hai loại máy bay chiến đấu này thường giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu do không được cung cấp đủ nhiên liệu và khí tài. Ngày nay, do hạn chế về kinh tế, quân đội Triều Tiên chưa thể cải thiện vấn đề này.

Là điểm nhấn của cuộc duyệt binh, tên lửa của Triều Tiên, đặc biệt là tên lửa chiến lược, đã thu hút nhiều sự chú ý. Giới quan sát cho rằng, hai mẫu tên lửa mới thuộc dòng Hwasong và Pukguksong là những loại tên lửa liên lục địa mới với kích thước lớn hơn sẽ tăng cường khả năng răn đe hạt nhân đối với Mỹ.

Nhận định về vũ khí mới của Triều Tiên, theo Reuters, một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói rằng động thái của Bình Nhưỡng "rất đáng thất vọng", đồng thời kêu gọi chính phủ hai nước đàm phán để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo.

Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, đây là lần đầu tiên quân đội Triều Tiên thể hiện một diện mạo hoàn toàn mới kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền.

Đa chiều cho rằng, trên thực tế, cuộc duyệt binh ban đêm gây "chấn động" thế giới mang nhiều ý nghĩa chính trị. Một số ý kiến ​​chỉ ra rằng, trong bối cảnh kinh tế hạn chế như hiện nay, Triều Tiên vẫn đầu tư lớn cho một cuộc duyệt binh là nhằm gửi tín hiệu khích lệ đến người dân trong nước, thứ hai là muốn gửi Tổng thống Mỹ tiếp theo sau cuộc bầu cử vào tháng 11, "hoặc là đàm phán hòa bình với Triều Tiên và đạt được thỏa thuận ban đầu, hoặc thực hiện một vòng áp lực tiêu cực mới".

Quan trọng hơn, động thái của Kim Jong-un có thể đang đi lại con đường cũ của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình - một cuộc duyệt binh lớn được tổ chức vào năm 1984 và ra mắt tên lửa hạt nhân xuyên lục địa Dongfeng-5. Một năm sau - tức năm 1985, ông ra lệnh cho quân đội kiên nhẫn và dọn đường cho sự phát triển kinh tế. Tương tự, để tiến tới cải cách và mở cửa, quân đội Triều Tiên cũng cần học cách kiên nhẫn và nhường bước cho phát triển kinh tế.

Đa chiều dự đoán, kết hợp với các hành động và bài phát biểu trước đây của ông Kim Jong-un, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ điều chỉnh "chính sách Songun" (ưu tiên quân sự). Tuy nhiên, đây chỉ là suy đoán ở thời điểm hiện tại. Nếu điều đó trở thành sự thật, việc hồi sinh vùng Đông Bắc có thể mở ra cơ hội kinh tế thực sự cho Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại