Sáng ngày 22/3, ông Nguyễn Tử Quảng – CEO BKAV chia sẻ trên trang cá nhân về việc hãng này đã xuất khẩu lô điện thoại Bphone đầu tiên sang châu Âu cho một cường quốc quân sự (sau này được tiết lộ là Ukraine).
Dù gây ra một vài tranh cãi khi đăng kèm hợp đồng với nhiều chi tiết bị che đi thông tin, nhưng cũng từ đây, những người theo sát diễn biến của thị trường di động Việt Nam chợt nhận ra các hãng di động Việt Nam, dù gặp rất nhiều khó khăn ngay trên "sân nhà", cũng đã rất chịu khó tìm đường xuất ngoại. Cách "xuất ngoại" của mỗi hãng cũng không hề giống nhau.
Mobiistar – "đi thật xa để trở về"
Dù chưa bao giờ được xem là hãng sản xuất lớn tại Việt Nam nhưng trong nhiều năm, Mobiistar vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường nhờ các mẫu smartphone giá mềm, hướng đến nhóm người dùng bình dân. Hãng này cũng trung thành với chính sách thuê gia công sản phẩm từ Trung Quốc, chỉ tập trung vào bán hàng và làm thương hiệu.
Tháng 5/2018, Mobiistar bất ngờ công bố hợp tác với trang thương mại điện tử Flipkart của Ấn Độ để bán 2 mẫu smartphone chuyên selfie là XQ Dual và CQ. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên có một hãng di động Việt Nam đặt chân vào thị trường Ấn Độ.
Ông Ngô Nguyên Kha - CEO của Mobiistar trong lễ ra mắt thương hiệu này tại thị trường Ấn Độ tháng 5/2018.
Với giá bán lần lượt tương đương 2,7 triệu và 1,7 triệu đồng, Mobiistar không giấu giếm ý định đánh chiếm phân khúc smartphone giá rẻ tại thị trường 1,3 tỷ dân khi đó.
"Chúng tôi chọn Ấn Độ vì đây là thị trường lớn, có nhiều điều thú vị về công nghệ, tiến bộ với những cải tiến mới mẻ", ông Ngô Nguyên Kha (Carl Ngo) – CEO của Mobiistar nói trong buổi ra mắt thương hiệu tại Ấn Độ.
Lựa chọn của ông Kha khi đó được cho là "đúng nơi, đúng thời điểm, đúng sản phẩm". Ban đầu Mobiistar chỉ bán điện thoại online nhưng ngay sau đó mở rộng bán offline khi phát hiện ra người dùng Ấn Độ có xu hướng muốn đến cửa hàng, cảm nhận sản phẩm trước khi mua.
Trong 9 tháng, Mobiistar ra mắt 9 mẫu di động tại Ấn Độ. Nói với báo giớ trong nước, CEO Ngô Nguyên Kha gọi đây là chiến lược "đi thật xa để trở về". Tuy nhiên, ngày trở về của Mobiistar gặp nhiều trắc trở.
Một năm sau, thông tin Mobiistar rút khỏi thị trường Ấn Độ xuất hiện tràn ngập trên các trang báo địa phương, cũng nhanh và bất ngờ như cái cách thương hiệu này xuất hiện.
Báo Ấn Độ khẳng định Mobiistar đã rời khỏi thị trường này sau khi đối tác sản xuất địa phương của họ là Vsun Technologies ngừng sản xuất. Vsun nộp đơn xin phá sản tại Trung Quốc vào tháng 5/2019 và sa thải toàn bộ nhân viên Ấn Độ cùng thời điểm. Chuỗi cung ứng của Mobiistar bị ảnh hưởng nặng nề.
Chuyến "đi thật xa" của Mobiistar cũng trở thành lời chào tạm biệt của thương hiệu này cho thị trường Việt Nam. Sau thời điểm năm 2019, người ta không còn thấy điện thoại Mobiistar xuất hiện trên các kệ hàng trong nước.
Thực tế, doanh số của hãng này đã xuống dốc tại Việt Nam từ 2018 và bước đi táo bạo sang Ấn Độ của Mobiistar được xem là nước cờ cuối cùng để cứu vãn thương hiệu này nhưng không thành công.
Bkav chọn thị trường ngách
Bphone của BKAV sở hữu nhiều nét độc đáo riêng so với phần lớn đối thủ trên thị trường. Tuy nhiên, trải qua 4 đời sản phẩm, model này vẫn gây nhiều tranh cãi, doanh số sản phẩm cũng luôn là điều bí ẩn bởi hãng sản xuất không công bố thông tin.
Báo chí Myanmar đưa tin về sự kiện BKAV ra mắt smartphone tại quốc gia này năm 2019.
Tháng 7/2019, điện thoại Bphone 3 chính thức xuất hiện tại thị trường Myanmar. Trước đó, hãng đã thành lập chi nhánh tại Myanmar với hơn một nửa nhân sự là người bản địa, 3 trung tâm bảo hành và 27 điểm tiếp nhận bảo hành.
Đại diện BKAV khi đó khẳng định Bphone sẽ cạnh tranh với các mẫu di động cao cấp, xây dựng thương hiệu smartphone "made in Vietnam" tại đất nước này. Tại Myanmar, Bkav hợp tác với nhà mạng MyTel (thương hiệu của Viettel để bán Bphone.
Đến nay, chưa có thông tin về việc Bphone B86 có được bán tại Myanmar hay không và tình hình kinh doanh của thương hiệu này tại Myanmar ra sao.
Mới đây, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng tiếp tục công bố bán mẫu Bphone B60 – model giá tầm trung của hãng – tại châu Âu "dành cho các yếu nhân, VIP" với hệ điều hành bảo mật riêng dựa trên nền tảng của BOS.
B60 và B40 là 2 model giá rẻ ra mắt cùng B86 nhưng chưa có cơ hội lên kệ tại thị trường Việt Nam. Ông Quảng mới đây cũng tuyên bố dừng bán 2 sản phẩm này tại Việt Nam vì "không còn phù hợp".
VinSmart chọn làm việc khó
VinSmart có một năm 2020 thành công lớn khi lọt top 3 thị phần di động tại Việt Nam chỉ sau 18 tháng ra mắt. Cơ sở vững chắc của VinSmart với thương hiệu điện thoại Vsmart là các mẫu smartphone phổ thông cấu hình cao, giá hợp lý.
Tháng 10/2020, Bloomberg tiết lộ thông VinSmart và nhà mạng AT&T đạt thoả thuận bán điện thoại Vsmart sang Mỹ. Trong đó, VinSmart là đối tác sản xuất sản phẩm còn điện thoại sẽ mang thương hiệu của AT&T.
Vsmart Aris 5G - mẫu di động được cho sẽ xuất hiện tại thị trường Mỹ trong năm nay. Aris 5G chưa được mở bán tại Việt Nam.
Tháng 12/2020, bà Nguyễn Thị Hồng – Tổng giám đốc khối Điện thoại của VinSmart xác nhận smartphone do công ty này sản xuất sẽ bán tại Mỹ trong năm 2021. Đến tháng 2/2021, 3 mẫu điện thoại thông minh "made in Vietnam" do VinSmart sản xuất đã chính thức được bày bán trên các trang bán lẻ tại Mỹ, mang tên Maestro Plus, Motivate và Fusion Z.
Theo các chuyên gia, Mỹ là thị trường di động khó tính bậc nhất thế giới với các quy định khắt khe về quy chuẩn sản phẩm cũng như mức độ cạnh tranh rất cao. Việc VinSmart chọn cách bán sản phẩm qua đối tác AT&T giống như một động thái "ném đá dò đường" trước khi đem sản phẩm chủ lực của mình là điện thoại Vsmart Aris 5G sang đất Mỹ.
Điểm mạnh của VinSmart là họ có tiềm lực với nhà máy sản xuất khổng lồ công suất kỳ vọng lên đến 125 triệu thiết bị mỗi năm, chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng, đồng thời đang từng bước nắm bắt được các công nghệ mới nhất của làng di động.
Tuy nhiên, gia nhập và thành công tại thị trường Mỹ vẫn là điều gì đó rất khó khăn, cần những bước đi thực sự đột phá. Có thể trong năm 2021 này, chiến lược và cách làm thị trường của VinSmart tại Mỹ sẽ được hé lộ.