Đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan sắp khởi công sau 25 năm quy hoạch

Bích Thuận |

Tuyến đường sắt giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu và Trung Đông nối nước này với Kyrgyzstan và Uzbekistan sắp được xây dựng trong năm 2023 sau khoảng 25 năm lên kế hoạch.

(Ảnh minh họa về đường sắt, tàu hỏa Trung Quốc. Nguồn: Tân Hoa xã)

(Ảnh minh họa về đường sắt, tàu hỏa Trung Quốc. Nguồn: Tân Hoa xã)

Thông tin về tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan (CKU) đã được truyền thông Trung Quốc đăng tải rộng rãi khi trích phát biểu của Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Zhaparov với báo giới địa phương.

Ông Zhaparovcho biết, sau khi hoàn thành nghiên cứu khả thi, việc xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan sẽ bắt đầu vào năm tới (2023).

Cũng theo Tổng thống Kyrgyzstan, sau khi ông giải thích với Tổng thống Nga Putin hồi giữa tháng 5 khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) rằng Kyrgyzstan cần tuyến đường sắt này như cần “không khí và nước”, ông Putin đã không còn phản đối dự án này.

Các quan chức Uzbekistan trước đó cũng cho biết, khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến đường ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu và Trung Đông, hành trình sẽ được rút ngắn 900 km và tiết kiệm được từ 7-8 ngày về mặt thời gian.

Tuyến đường sắt này đã được lên kế hoạch cách đây ít nhất 25 năm. Ngay từ năm 1997, Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan đã ký bản ghi nhớ về việc xây dựng dự án đường sắt nối liền ba nước.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ trở thành phần phía Nam của đường sắt vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu, nối Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan với Trung Đông Âu qua Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo kế hoạch, tổng chiều dài của tuyến đường sắt khoảng 523 km, bao gồm 213 km ở Trung Quốc, 260 km trên lãnh thổ Kyrgyzstan và khoảng 50 km ở Uzbekistan.

Theo đánh giá của Tân Hoa xã, việc hoàn thành tuyến đường sắt này sẽ thay đổi cục diện giao thông ở khu vực Tân Cương thậm chí toàn bộ khu vực miền Tây của Trung Quốc và đẩy nhanh tốc độ “Đại khai phát miền Tây”; có lợi cho việc khai thác và sử dụng dầu ở Trung Á và Biển Caspi, có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra nguồn nhập khẩu dầu mới và điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng của Trung Quốc./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại