Đường ống Keystone XL có giúp giảm giá xăng cao kỷ lục ở Mỹ?

Thùy Dương |

Trong bối cảnh giá xăng tăng cao, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa cho rằng một phần lỗi thuộc về Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đã quyết định “khai tử” dự án đường ống Keystone XL khi mới nhậm chức.

Theo kênh CBS News, nghị sĩ bang Texas Dan Crenshaw đã nói trong một dòng tweet ngày 23/2 rằng dự án Keystone XL sẽ sản xuất 830.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Ông nói: “Ngừng nhập khẩu từ Nga, bắt đầu sản xuất nhiều hơn”.

Thống đốc bang Nam Dakota, bà Kristi Noem từng nói trong bài phát biểu ngày 24/2 rằng khi dừng đường ống Keystone XL, ông Biden đã nói với thế giới rằng độc lập năng lượng của Mỹ không còn là ưu tiên.

Đường ống Keystone XL có giúp giảm giá xăng cao kỷ lục ở Mỹ?  - Ảnh 1.

Hệ thống đường ống dẫn dầu Keystone XL vận chuyển dầu mỏ của tỉnh bang Alberta tới các cơ sở lọc dầu ở khu vực Midwest (Mỹ). Ảnh: HBR/TTXVN

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và hứng chịu các biện pháp trừng phạt khiến giá dầu tăng hơn nữa, nhiều người tự hỏi liệu mở rộng dự án Keystone XL có giúp giảm giá xăng không.

Theo ông Gregory Nemet, Giáo sư tại Viện Năng lượng Wisconsin thuộc Đại học Wisconsin-Madison, điều quan trọng là phải hiểu điều gì góp phần khiến giá dầu cao ngay từ đầu. Ông chỉ ra rằng giá dầu đã tăng đều đặn kể từ mùa Thu năm 2021 khi ở mức khoảng 70 USD/thùng, tăng lên hơn 130 USD vào tuần trước rồi ổn định trở lại ở mức khoảng 100 USD/thùng ngày 15/3. Giá dầu thô tăng vọt lúc đầu là nhờ quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra, thúc đẩy nhu cầu người tiêu dùng và các doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19.

Ông nói: “Khi có nhiều hoạt động đi lại và mọi người bay nhiều hơn, thì nhu cầu về dầu sẽ tăng lên. Nguồn cung không phải lúc nào cũng nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu đó”.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng đóng một vai trò nhất định mặc dù nó không phải là tác nhân chính khiến giá xăng tăng. Giáo sư Nemet nói: “Mỗi khi có bất ổn chính trị ở những nơi sản xuất nhiều dầu, các thị trường sẽ phản ứng. Điều đó không có nghĩa là không có đủ dầu, không có nghĩa là có nhiều rủi ro hơn trước”.

Mỹ nhập khẩu trung bình 209.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga vào năm 2021 và 500.000 thùng sản phẩm dầu mỏ khác mỗi ngày. Số lượng này chiếm 3% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ và khoảng 1% lượng dầu thô được chế biến tại các nhà máy lọc dầu Mỹ.

Keystone XL, dự án mở rộng đường ống hiện có ở Bắc Mỹ, sẽ vận chuyển 830.000 thùng dầu thô từ vùng Alberta (Canada) đến bang Nebraska mỗi ngày vào lúc cao điểm. Vào thời điểm ông Biden tạm dừng dự án, Keystone XL mới chỉ hoàn thành khoảng 8%.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tiếp tục dự án cũng không ngăn được giá xăng ở Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục. Họ cho rằng mở rộng Keystone XL sẽ làm tăng sản lượng dầu toàn cầu chưa đầy 1%, một lượng dầu gần như không đáng kể.

Giáo sư Nemet cho rằng xét về giá xăng và giá dầu toàn cầu, dự án Keystone XL không có tác động gì. Ông nói rằng ngày cả nếu dự án đã hoàn thành thì cũng sẽ không giúp giảm giá xăng. Mỹ đã tăng gấp đôi sản lượng dầu trong 15 năm qua. Tuy nhiên, giá dầu vẫn là 100 USD/thùng.

Khi lạm phát tăng vọt, giá xăng đã tăng trong nhiều tháng và đạt mức trung bình 4,33 USD/gallon vào ngày 11/3. Theo ông Nemet, Mỹ không phải là toàn bộ câu chuyện liên quan dầu. Đó là một thị trường toàn cầu với 8 tỷ người tiêu thụ và nhiều nước sản xuất.

Ông David Kieve, Chủ tịch nhóm vận động Hành động Quỹ Phòng vệ Môi trường, cũng nói với CBS News rằng việc xây dựng đường ống Keystone XL sẽ không làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với giá nhiên liệu. Theo ông Kieve, nếu được cấp phép thì dự án Keystone XL cũng phải tới năm 2023 mới có thể hoạt động.

Ngược lại, việc Mỹ quyết định giải phóng 30 triệu thùng dầu từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược có thể gây áp lực giảm giá xăng trong ngắn hạn. Mỹ sẽ tung ra tổng cộng 60 triệu thùng dầu thô để giúp giảm bớt một số gián đoạn nguồn cung do chiến tranh tại Ukraine gây ra. Ông Kieve cho rằng động thái này mới có thể có một số tác động đến mức giá xăng tại Mỹ.

Về lâu dài, cách tốt nhất để ngăn chặn giá xăng dầu tăng vọt tại Mỹ là đẩy nhanh chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Khác dầu mỏ, năng lượng tái tạo phụ thuộc ít hơn vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế. Năng lượng từ tấm pin mặt trời, tuabin gió và các công nghệ carbon thấp khác cũng có xu hướng rẻ hơn khi được sử dụng rộng rãi hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại