Ngay sau đó, đoạn clip đã bị gỡ bỏ. Theo xác minh của phóng viên Tiền Phong, sự việc xảy ra đúng ngày 18/9 tại khu vực dốc Vệ Tinh (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội). Tại đây, Đội quản lý giao thông số 5 (Cty CP Quản lý và xây dựng đường bộ 1 Hà Tây) thi công thảm lại mặt đường vì đã xuống cấp.
Trong đoạn clip, người đăng dùng tay bóc lớp bê tông nhựa đã hoàn thiện và dễ dàng bóp vỡ vụn.
Khảo sát tại hiện trường ngày 21/9 cho thấy, vị trí người dân bóc lên, quay clip đã được thảm lại. Ông Lê Trung Trọng, Đội trưởng Đội quản lý giao thông số 5 cho biết, khi phát hiện đoạn đường xuống cấp, đơn vị sẽ báo cáo và Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) đồng ý, đơn vị mới được phép làm. Quá trình này mất khá nhiều thời gian. Dù chưa được đơn vị giám sát cho phép nhưng do mặt được đã được cào lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, lo ngại cơn bão số 5 sẽ gây mưa kéo dài nên đơn vị quyết định thảm nhựa để đảm bảo an toàn.
“Đúng là đơn vị làm vệ sinh chưa tốt. Hơn nữa, trong quá trình thảm bị ngắt quãng do thiếu bê tông nhựa nên đến tối công nhân mới tiếp tục thảm thêm. Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo công ty và sẽ tự bỏ tiền ra để thảm lại đoạn đường trên”, ông Trọng cho hay. Đơn vị thi công cào lớp bê tông cũ và hoàn thành thảm lại toàn bộ mặt đường.
Theo các chuyên gia giao thông, khi thảm bê tông nhựa của lớp áo đường, nền đường phải được làm sạch, không được phép có bùn đất, nhất là không được để nền đường ẩm ướt.
Bởi vì, nền đường ướt, có bùn đất khiến cho lớp bê tông nhựa phía trên và phía dưới không có liên kết. Ngoài ra, khi có bùn đất hoặc nước, nhựa đường được đưa vào thảm sẽ nhanh chóng bị hạ nhiệt độ, không kết dính, máy lu đi vào càng làm kết cấu bê tông nhựa bị vỡ.