“Nếu việc lắp đặt thí điểm hệ thống chống ngập đạt được thành công, thành phố sẽ có các chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động sau này
Ông Lê Văn Khoa (phó chủ tịch UBND TP.HCM)
Theo đề án thí điểm của Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, hệ thống chống ngập được thiết kế bằng máy bơm hút ly tâm có công suất từ 48.000 - 96.000 m3/giờ được lắp tại vị trí cửa xả nước ra sông ở khu vực P.22, Q.Bình Thạnh để chống ngập cho 75,4ha khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Doanh nghiệp cho rằng trạm bơm này sẽ giải quyết triệt để nạn ngập trong thời gian tối thiểu là 20 năm.
Đặt cọc 2 tỉ đồng để làm
Theo thiết kế, trạm bơm hút ly tâm có ống bơm dài tới 14,5m, cống thoát nước chính có chiều rộng từ 1,2 - 1,6m, hai nhánh thoát nước phụ rộng 0,6m.
Công ty trên cũng đề xuất diện tích đất cần bố trí trạm bơm rộng khoảng 13,8m, dài 31m. Trong đó, có nhà điều hành để điều khiển trạm bơm.
Theo doanh nghiệp trên, bơm hút ly tâm được thiết kế vừa hút nước vừa có bộ lọc tự động tách rác thải đưa vào xe chuyên dụng mang đến nơi chôn lấp.
Doanh nghiệp cho rằng máy bơm hút hoạt động sẽ làm tốc độ dòng chảy trong cống tăng từ 10 đến 20 lần, giúp các điểm ngập rút nước nhanh. Hệ thống chống ngập có van ngăn một chiều tránh nước từ sông tràn ngược trở lại.
Về chi phí thí điểm, Tập đoàn công nghiệp Quang Trung tính toán máy bơm ly tâm chỉ tốn khoảng 10% so với các dự án chống ngập và công tác duy tu, vớt rác trong cống thoát nước.
Dự kiến mức đầu tư thí điểm cho hệ thống chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh mà doanh nghiệp trên tính toán sơ bộ hơn 88 tỉ đồng.
Trong tổng mức đầu tư, chi phí thiết bị xây dựng khoảng 12 tỉ đồng, chi phí công nghệ và thiết bị khoảng 68,8 tỉ đồng..
. Ngoài khoản tiền tự đầu tư thí điểm, công ty còn cam kết đặt cọc cho TP 2 tỉ đồng để thực hiện việc hoàn trả mặt bằng như cũ nếu công trình không thành công.
Doanh nghiệp trên cam kết với TP dự án thí điểm thành công mới nhận tiền. Và nếu dự án đi vào hoạt động có hiệu quả, doanh nghiệp kiến nghị UBND TP được nhân rộng và xây dựng hệ thống chống ngập ở một số vị trí khác.
Băn khoăn về máy bơm công suất lớn
Tại cuộc họp, đại diện nhiều sở, ngành, đơn vị đã góp ý cho doanh nghiệp tính toán kỹ về việc công suất bơm hút có thể ảnh hưởng đến cống thoát nước cũng như lượng nước đủ cho bơm hoạt động.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết nhiều cống thoát nước của TP nói chung và đường Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng đang có hiện tượng lún, xuống cấp.
“Với sức hút công suất từ 12.000 m3/giờ trở lên, tốc độ dòng chảy lớn khiến đất, cát xung quanh bị hút có thể hổng phần đất phía dưới và gây ra “hố tử thần”.
Chống ngập nhưng không thể đồng nghĩa với việc gây hư hỏng cơ sở hạ tầng” - ông Dũng lưu ý.
Tương tự, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP cũng cho rằng với công suất “khủng” của máy bơm hút ly tâm có thể làm lòng cống sụt lún, muốn tăng tốc độ dòng chảy phải khắc phục được các vết nứt, hở tồn tại dưới đường cống...
Ngoài ra, theo đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, doanh nghiệp phải tính toán được lưu lượng thoát nước trong cống để đảm bảo rằng đủ nước cho máy bơm hoạt động.
Vị này cung cấp thông tin cho biết tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, mỗi khi mưa công ty đặt bơm 3.000 m3/giờ nhưng nước trong cống vẫn không chảy về kịp.
Trả lời về các vấn đề trên, ông Nguyễn Tăng Cường, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, cho biết: “Cho dù đặt hai bơm bình thường có công suất 7.000 m3/giờ cũng không hiệu quả, bởi trong lúc mưa lớn phải mất nhiều giờ mới hút hết nước.
Còn đặt hệ thống bơm hút với công suất lớn sẽ giải quyết nhanh được ngập trong 15 đến 20 phút. Đối với những trận mưa nhỏ, nước sẽ chảy thông qua hai ống thoát nước phụ mà không cần vận hành máy bơm”.
Ông Cường cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các sở ngành. Trước mắt, đối với các khe hở tại vị trí nối các cống dẫn, đơn vị thi công sẽ cho người vào xây, trám lại.
Còn đối với vấn đề nước không về kịp, ông Cường đề xuất lắp một cống bằng kim loại gần trạm bơm để tăng tốc độ dòng chảy.
Ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cảm ơn sự đóng góp chia sẻ của doanh nghiệp đối với các giải pháp chống ngập cho TP. Ông Khoa cho biết TP rất mong dự án này thành công và yêu cầu các sở ngành phải “xắn tay” vào hỗ trợ để doanh nghiệp hoàn thiện đề án.
Cụ thể, ông Khoa giao cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP giúp doanh nghiệp hoàn thành các vấn đề kỹ thuật, tối đa trong 30 ngày phải có kết quả.