Nhà báo Nguyễn Như Mai (áo đỏ)- cố vấn 20 năm của chương trình đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: NVCC
Theo Nhà báo Nguyễn Như Mai - người 20 năm làm cố vấn lĩnh vực Hiểu biết chung tại Đường lên đỉnh Olympia chia sẻ quan điểm, chưa đến nỗi phải gọi đây là tình trạng “chảy máu chất xám”, song cũng manh nha cho thấy hiện tượng này.
Nếu đất nước không coi trọng, không sử dụng người tài để họ ra đi làm việc, cống hiến ở xứ sở khác thì sẽ là chảy máu chất xám thực sự.
Sau mỗi mùa Olympia, câu chuyện về các nhà vô địch nhận học bổng học tập ở Australia sau đó không trở về Việt Nam lại được nhiều người bàn luận. Và chúng ta lại lo âu về thứ gọi là "chảy máu chất xám" khi số lượng quán quân Olympia học xong không về nước ngày càng tăng lên.
Sau mỗi trận chung kết, không hiếm những lời "chúc mừng" kiểu như thế này.
Gọi các nhà vô địch Olympia là nhân tài thì hơi “bốc” quá
Tôi đồng hành cùng chương trình này đã 20 năm với tư cách là Cố vấn HBC (Hiểu Biết Chung), nhà báo Nguyễn Như Mai cho rằng, ông đã nhiều lần được nghe “biến tấu” tên gọi như thế. Người ta gán ghép như vậy cũng có nguyên nhân. Vì các nhà vô địch đều được các trường đại học Australia cấp học bổng và đón nhận vào học.
Nhiều người cho rằng chúng ta dọn cỗ sẵn để họ hớt tay trên. Còn đây có phải là “nhân tài quốc gia” cần “bảo tồn” hay không, ta sẽ bàn tiếp.
Ông Mai cho rằng, thí sinh vô địch Olympia là những học sinh xuất sắc, được sàng lọc qua cuộc thi một cách xứng đáng. Tuy nhiên, nhiều em khác không giành được vòng nguyệt quế đôi khi chỉ vì kém may mắn hơn thôi.
Đây có thể xem là một chương trình “tìm kiếm tài năng” được đông đảo mọi người biết đến, nhưng không phải là duy nhất, còn có nhiều trường nổi tiếng đào tạo nhiều học sinh xuất sắc, hoặc các thí sinh trúng giải các kỳ thi Olympic quốc tế, theo tôi, họ không thua kém mà còn giỏi hơn.
“Vì vậy, gọi nhà vô địch trèo lên đến “đỉnh Olympia” là “nhân tài quốc gia” quả là hơi bốc quá, thậm chí có thể gây ngộ nhận.
Các em chỉ mới có nền tảng kiến thức để học hỏi, phát triển và trong đó một số sau này có thể trở thành nhân tài quốc gia (có thể thôi nhé). Còn phải vượt qua nhiều đỉnh núi cam go hơn là đỉnh Olympia của cuộc thi này”- ông Mai nêu quan điểm.
Chưa thể gọi đây là “chảy máu chất xám được”
Vậy đây có phải là báo động về tình trạng “chảy máu” chất xám như mọi người vẫn lo sợ?
Nhà cố vấn chương trình này cho rằng, chưa đến nỗi phải gọi đây là tình trạng “chảy máu chất xám”, song cũng manh nha cho thấy hiện tượng này.
Cũng theo nhà cố vấn, nếu đất nước không coi trọng, không sử dụng người tài để họ ra đi làm việc, cống hiến ở xứ sở khác thì sẽ là chảy máu chất xám thực sự. Mà hiện nay có rất nhiều người Việt tài năng ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, trong đó có người nổi tiếng tầm cỡ thế giới. Nhưng ta chưa thu hút được họ trở về, huống hồ…
Ông Mai cho rằng, sở dĩ các nhà vô địch chương trình này, khi các em mới bước chân ra thế giới, hầu hết ở lại Úc, có nhiều lý do.
Ông Mai khẳng định, trước hết, như cha ông ta nói nôm na “đất lành chim đậu”. Các em sang du học được hưởng một nền giáo dục tiên tiến. Tốt nghiệp xong, có việc làm, có cuộc sống sung túc. Có môi trường làm việc sáng tạo, phát triển tài năng.
Trong khi đó, nếu về nước, các em phải chạy chọt để có việc làm. Đi làm lại không đúng chuyên môn, thậm chí phải cúc cung phục vụ ông sếp dốt nát. Không có điều kiện thi thố tài năng, cuộc sống gieo neo mòn mỏi…
“Tôi hỏi thực, nếu là bạn, bạn có ở lại không? Tôi cũng đã “điều tra xã hội học” bằng cách hỏi các bậc phụ huynh rằng, có muốn con ở lại không? Gần như tất cả đều trả lời, về làm gì, mong còn chẳng được nữa là”- nhà cố vấn chia sẻ.
Nhà cố vấn cho rằng, chuyện “chảy máu chất xám” không phải ám ảnh làm gì: “Tôi đã trả lời, với hơn chục bạn vô địch một cuộc thi kiến thức, rồi được đi du học, chưa đến nỗi là chảy máu chất xám”.
“Nhưng nói rộng ra, chảy máu chất xám là chuyện tồi tệ, chứ có gì mà tốt. Cha ông ta đã đúc trên bia đá tiến sĩ, rằng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”- Ông Mai nêu quan điểm.