Theo Cục Quản lý đường bộ 3 (Tổng cục đường bộ Việt Nam), do ảnh hưởng của các cơn bão số 5, 6, 9, 12 và số 13 (năm 2020) kèm theo mưa lớn kéo dài sau bão, trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây đã sạt lở taluy dương và taluy âm đất, đá tràn mặt đường, lề đường, lấp rãnh dọc, cống trên 300 trăm vị trí lớn, nhỏ với khối lượng khoảng 210.000 m3. Ảnh: Nguyễn Thành
Trong đó, có 23 điểm sạt lở taluy âm, 4 cầu bị xói lở, hư hỏng tứ nón mố, tại 09 vị trí (từ Km474+00 – Km474+800) nền mặt đường bị lún sụt và tường chắn taluy dương bị xô lệch, gây mất an toàn giao thông.
Hiện tại, trên tuyến đã thực hiện hoàn thành toàn bộ công tác hót sụt, thanh thải đất, đá sạt lở, tràn lấp mặt đường rãnh dọc, cống, các vị trí cây ngã đổ; đồng thời, thực hiện gia cố 23 vị trí taluy âm, xói lở tứ nón mố có nguy cơ sụt trượt gây hư hỏng nền mặt đường và mất an toàn giao thông. Ảnh: Nguyễn Thành.
Một vị trí sạt lở nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh qua huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng cục quản lý đường bộ 3 cho biết: Công tác khắc phục đã cơ bản hoàn thành 18/23 vị trí sạt lở; còn 5 vị trí đang triển khai thực hiện.
Theo Cục quản lý đường bộ 3, riêng địa bàn huyện Phước Sơn (Quảng Nam) hiện có 3 vị trí sạt lớn tại Km1353+800 – Km1354; Km1360+770, Km1368+520 đang thực hiện khắc phục. Trong đó tại vị trí sạt lở taluy âm gây đứt đường tại Km1353+800 – Km1354 hiện đã cơ bản hoàn thành thông xe 2 làn đang thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại như gờ chắn bánh, lan can tay vịn, sơn kẻ hệ thống vạch tín hiệu. Ảnh: Nguyễn Thành
Tuy nhiên, hiện nay việc khắc phục vẫn còn chậm trễ khiến giao thông tại các vị trí sạt lở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Nguyên nhân việc chậm trễ, theo Phó cục trưởng Cục quản lý đường bộ 3 là do thời tiết trên địa bàn huyện Phước Sơn, cuối năm 2020 mưa lớn xảy ra liên tục, gây khó khăn trong công tác khắc phục và bảo đảm giao thông thông suốt trên đường Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, do địa chất tại khu vực xử lý Km1360+770 và Km1368+520 rất phức tạp (nền đất yếu (túi bùn nhão), xuất hiện đá mồ côi), xuất hiện nước ngầm nên phải điều chỉnh, bổ sung phương án xử lý phù hợp cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong việc khắc phục, xử lý.
Theo dự kiến đến đầu tháng 4/2021 sẽ cơ bản hoàn thành việc khắc phục còn lại tại 3 vị trí là Km1360+770, Km1368+520 và cầu Đắk Gà/đường Hồ Chí Minh. Riêng vị trí tại Km1353+800 – Km1354 sẽ hoàn thành trong khoảng trung tuần tháng 3/2021.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Bình (Phó cục trưởng Cục quản lý đường bộ 3) cho biết: Trước những khó khăn, Cục quản lý đường bộ 3 mong muốn chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện trong công tác GPMB (đền bù cây, hoa mầu, đất..) do các vị trí sạt lở phải tiến hành làm đường tạm về phía taluy dương nên ảnh hưởng đến cây trồng và đất của người dân.
Công nhân thi công tại một vị trí sạt lở trên đường Hồ Chí Minh qua huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Vì nguồn kinh phí thực hiện khắc phục sạt lở rất lớn nhưng chưa được bố trí nên gây khó khăn cho các đơn vị thi công. Phó cục trưởng Cục quản lý đường bộ 3 kiến nghị: Ngoài các vị trí khắc phục bước 1 đã và đang triển khai thi công; kiến nghị cho phép đầu tư sửa chữa đột xuất 6 vị trí với tổng kinh phí dự kiến khoảng 50 tỷ đồng để thực hiện nhằm ngăn ngừa phát sinh hư hỏng, đảm bảo ổn định công trình.