Đường dẫn khí North Stream 2 đang "hủy diệt" át chủ bài của Ba Lan - Ukraine như thế nào?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Đằng sau phản ứng dữ dội của Ba Lan - Ukraine với dự án North Stream 2 là những vấn đề khó có thể đàm phán quanh vấn đề dầu khí giữa các quốc gia trong khu vực.

Phản ứng khi bị thua to, thiệt lớn

Càng gần đến thời điểm khởi công dự án xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt North Stream 2, dự kiến vào đầu năm tới, mức độ chống đối của Ba Lan và Ukraine càng thêm quyết liệt.

Trong EU, có một vài thành viên khác nữa cũng phản đối dự án này, nhưng không chống phá gần như bằng mọi giá như Ba Lan và Ukraine.

North Stream 2 được một nhóm công ty của Nga, Đức, Áo và một số nước châu Âu khác theo đuổi từ 3 năm nay.

North Stream là tên gọi của hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang thẳng nước Đức để từ đó đi tiếp sang Tây và Nam Âu, xuyên biển Bantic và không quá cảnh qua Ukraine và Ba Lan.

Trước khi có North Stream 1, Nga xuất khẩu khí đốt sang Tây Âu phải sử dụng hệ thống đường ống dẫn khí đốt được xây dựng từ thời Liên Xô với tên gọi là "Hữu Nghị", đi qua lãnh thổ Ukraine ngày nay, sang Ba Lan và đi tiếp đến các nước Đông Âu khác.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga phải trả tiền khi xuất khẩu khí đốt quá cảnh qua Ukraine và Ba Lan. North Stream 1 được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 8/11/2011, hiện tại chu chuyển khoảng 40 tỷ mét khối khí đốt hàng năm từ Nga sang đầu mối chung chuyển là nước Đức.

Đường dẫn khí North Stream 2 đang hủy diệt át chủ bài của Ba Lan - Ukraine như thế nào? - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và Tổng thống Nga Putin trong buổi đàm phán về North Stream 2. Ảnh: Sputnik

Đường ống có chiều dài 1.224 km. North Stream 2 được thiết kế chạy song song với North Stream 1 và dự kiến cuối 2019 sẽ đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 9,5 tỷ USD.

Nga đóng góp một nửa, phần vốn còn lại đến từ các tập đoàn năng lượng và đầu tư châu Âu.

Cả hai tuyến đường ống này đều có giá trị kinh tế to lớn đối với Nga và EU trên phương diện đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng đồng thời còn có cả tác động chính trị rất quan trọng và là một trong những ràng buộc lẫn nhau giữa Nga và EU.

Từ sau chuyện chính biến ở Ukraine và Nga tiếp nhận Crimea, EU áp dụng những biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại và tài chính, đồng thời cô lập Nga về chính trị. Mối quan hệ song phương này rất trắc trở và căng thẳng. Vậy mà North Stream 1 vẫn hoạt động và North Stream 2 vẫn được triển khai thực hiện.

Không chỉ đơn thuần là kinh tế

Sự chống phá của Ba Lan và Ukraine có cả lý do kinh tế lẫn chính trị. North Stream 1 đã giúp Nga giảm bớt lệ thuộc vào hai nước kia trong việc xuất khẩu khí đốt sang Tây Âu. North Stream 2 còn giúp giảm bớt lệt thuộc nhiều hơn nữa.

Ba Lan và Ukraine bị ảnh hưởng rất đáng kể khi lượng tiền quá cảnh từ Nga sang Tây Âu giảm mạnh. Năm 2019, Nga phải đàm phán lại với hai nước này thoả thuận về quá cảnh khí đốt.

North Stream 2 sẽ giúp Nga có vị thế và ưu thế đàm phán thuận lợi hơn hẳn so với trước. Theo số liệu của Nga, năm ngoái Nga đã chu chuyển qua hai nước này 82,2 tỷ mét khối khí đốt.

Với North Stream 2 và sử dụng thêm công suất chu chuyển của North Stream 1, Nga có thể giảm khối lượng này xuống còn 15 tỷ mét khối hàng năm.

Thua thiệt của hai nước này còn tăng thêm khi họ mất dần một con chủ bài chính trị mà lâu nay họ vẫn thường xuyên tận dụng triệt để. Dựa vào việc cho phép khí đốt của Nga quá cảnh, Ba Lan và Ukraine có thể gây áp lực lên cả Nga lẫn EU.

Vấn đề ở đây không chỉ đơn thuần như vậy mà còn ở chỗ Ukraine coi Nga là thù địch trong khi Ba Lan cũng chẳng hữu hảo gì với Nga.

Vì thế, khí đốt của Nga quá cảnh lãnh thổ của họ còn được công cụ hoá phục vụ cho mưu tính chính trị trong quan hệ với Nga.

Đường ống dẫn khí đốt North Stream 2. Nguồn: Youtube

Nếu như North Stream 1 và 2 là bài toán lợi ích chiến lược lâu dài của Nga thì cũng có thể nói, hai nước này bị mất đi một con át chủ bài chiến lược, hoặc chí ít thì con át chủ bài ấy đang bị mất dần công dụng trên thực tế.

Nỗi hậm hực của Ba Lan và Ukraine càng thêm tăng khi EU bám giữ vào North Stream 2. Mới đây, quốc hội Mỹ thông qua một số biện pháp mới trừng phạt Nga, trong đó có liên quan đến cả những công ty châu Âu tham gia dự án North Stream 2.

Đường dẫn khí North Stream 2 đang hủy diệt át chủ bài của Ba Lan - Ukraine như thế nào? - Ảnh 3.

Ukraine và Ba Lan hoan hỉ và hài lòng bao nhiêu thì phía EU phản đối mạnh mẽ bấy nhiêu. EU thậm chí còn cảnh báo Mỹ rằng sẽ trả đũa Mỹ.

Thua to thiệt lớn trong dự án này nên Ba Lan và Ukraine mới phản đối quyết liệt như thế. Nhưng North Stream 2 hiện vẫn đang được triển khai thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Ván đã được đóng sắp thành thuyền rồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại