Theo thông báo mới nhất của AFC, Việt Nam đã được trao quyền đăng cai bảng đấu có mặt tại vòng loại U23 châu Á 2020. Điều này đồng nghĩa với lứa cầu thủ 1997 từng tham dự World Cup sẽ có nhiều lợi thế trong việc dành vé tới vòng chung kết (VCK) nhờ ưu thế sân nhà.
Ngoài Việt Nam thì có thêm 4 quốc gia khác được đăng cai ở vòng loại khu vực Đông Á, gồm Malaysia, Myanmar, Campuchia, Mông Cổ. Theo quy định của AFC, các đội chủ nhà cùng khu vực tại vòng loại sẽ không nằm cùng bảng với nhau.
Tại vòng loại, 44 đội bóng gồm 24 đội thuộc khu vực Tây Á và 20 đội thuộc khu vực Đông Á được chia thành 11 bảng đấu theo khu vực địa lý (5 bảng Đông Á và 6 bảng Tây Á).
Với thành tích xuất sắc, giành ngôi Á quân tại VCK U23 châu Á 2018, U23 Việt Nam là 1 trong số 5 đội hạt giống nhóm 1 của khu vực Đông Á gồm: Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên.
Việt Nam sẽ là 1 trong 5 quốc gia đăng cai vòng loại giải U23 châu Á 2020, khu vực Đông Á.
Như vậy tại vòng loại, Việt Nam sẽ không cùng bảng với Malaysia, Myanmar, Campuchia, Mông Cổ. Thầy trò HLV Park Hang-seo cũng chắc chắn tránh được những đối thủ đáng gờm là Hàn Quốc, Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên, do cùng xếp nhóm hạt giống số 1. Đây sẽ là cơ sở để chúng ta có thêm khả năng lọt vào VCK và hy vọng tiến sâu ở đấu trường này.
Dự kiến, vòng loại sẽ diễn ra từ 22 đến 26/3/2019. VCK được tổ chức từ 8 đến 26/1/2020 (hiện chưa xác định quốc gia đăng cai). Ba đội xếp hạng cao nhất của VCK U23 châu Á 2020 sẽ đại diện châu Á tham dự Olympic Tokyo 2020.
Theo kế hoạch, lễ bốc thăm vòng loại U23 châu Á 2020 sẽ diễn ra vào ngày 7/11 tới tại trụ sở AFC, Kuala Lumpur, Malaysia.
Phân loại hạt giống tại vòng loại:
1. Khu vực Đông Á
Nhóm 1: Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên
Nhóm 2: Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Myanmar, Hong Kong
Nhóm 3: Campuchia, Indonesia, Timor-Leste, Lào, Singapore
Nhóm 4: Mông Cổ, Brunei, Philippines, Đài Bắc Trung Hoa, Macau
2. Khu vực Tây Á
Nhóm 1: Uzbekistan, Qatar, Iraq, Palestine, Jordan, Saudi Arabia
Nhóm 2 : Syria, Oman, Iran, UAE, Tajikistan, Bahrain
Nhóm 3: Lebanon, Ấn Độ, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Nepal, Bangladesh
Nhóm 4: Afghanistan, Kuwait, Maldives, Pakistan, Sri Lanka, Yemen.