Chị Thanh Tâm thân mến!
Vợ chồng tôi có 2 con trai. Con lớn đã tốt nghiệp đại học ra trường, đi làm được hơn 2 năm thì lấy vợ, hiện có con gái 2 tuổi. Con út vừa tốt nghiệp đại học, đang loay hoay trải nghiệm công việc con thích. Vì cả hai vợ chồng đều cảnh dân tỉnh lẻ trụ lại Hà Nội, chúng tôi thấm thía nỗi vất vả để có chỗ an cư lạc nghiệp.
Vì vậy, ngay từ đầu, chúng tôi đã đặt quyết tâm phấn đấu, nỗ lực làm việc, tiết kiệm để mua được 2 căn chung cư nhỏ dành cho 2 con trai sau này có chỗ chui ra chui vào, không phải cực nhọc như bố mẹ.
May mắn là chồng tôi có tiêu chuẩn phân một căn chung cư, ở ngay mặt đường, rất thuận tiện. Lúc đó, chúng tôi đã tiết kiệm, cộng thêm hỗ trợ của bố mẹ hai bên, mua được 1 căn nhà nhỏ tiện đường đến cơ quan của cả hai vợ chồng, nên căn hộ được phân chúng tôi cho thuê.
Sau gần chục năm, chúng tôi dồn tiền cho thuê nhà cộng với tiền bán căn hộ và tiền tiết kiệm của hai vợ chồng mua được 1 mảnh đất nhỏ.
Đợt này, giá nhà đất Hà Nội tăng cao. Mảnh đất của chúng tôi lại ở mặt phố nhỏ, giao thông thuận tiện, không gian yên tĩnh, nhiều người liên lạc hỏi mua. Chúng tôi thấy được giá nên định bán để cho 2 con trai tiền chọn mua nhà đất hoặc chung cư theo nhu cầu.
Nhưng con dâu của tôi lại có phản ứng khiến tôi rất buồn. Nó bảo chồng: "Chưa đến 5 tỷ thì mua cái gì bây giờ!". Tôi cảm thấy bao nhiêu cố gắng, nỗ lực, lòng tốt của vợ chồng tôi đổ xuống sông xuống biển.
Tôi sắp nghỉ hưu đến nơi, tiết kiệm cả đời cũng chả có được số tiền đó, dành được cho các con như vậy mà các con không trân trọng. Tôi bảo chồng, có lẽ chúng tôi sai ngay từ suy nghĩ, cách làm rồi, cần phải để các con bươn chải, tự lập thì mới hiểu giá trị của đồng tiền mồ hôi nước mắt bố mẹ kiếm ra.
Tôi xin được giấu tên.
Chào chị!
Thanh Tâm hiểu cảm xúc của chị khi cảm thấy những nỗ lực của mình dành cho con cái không được trân trọng. Đây là một vấn đề không hiếm gặp trong mối quan hệ giữa các thế hệ, đặc biệt khi nói đến giá trị của tiền bạc và những gì cha mẹ đã hy sinh cho con cái.
Chị hãy nhìn lại mục đích ban đầu của hai vợ chồng chị, đó là muốn đảm bảo con cái có cuộc sống ổn định, không phải lo lắng về chỗ ở như mình từng trải qua. Thật tự hào vì anh chị đã từ hai bàn tay trắng gây dựng cuộc sống gia đình ổn định và thực hiện được giấc mơ tốt đẹp của mình.
Tâm lý muốn dành cho con những điều tốt nhất là rất tự nhiên, nhưng đôi khi nó có thể khiến con cái không cảm nhận hết được sự hy sinh và giá trị của những nỗ lực đó.
Thay vì cảm thấy buồn hay thất vọng về phản ứng của con dâu, chị có thể coi đây là cơ hội để mở một cuộc trò chuyện thẳng thắn với cả hai vợ chồng con trai về những gì vợ chồng chị đã làm, cũng như mong muốn của chị. Đây cũng là cơ hội để con cái chia sẻ những suy nghĩ, kế hoạch của chúng cho tương lai.
Việc con dâu tâm sự với chồng về giá trị bất động sản có thể không hẳn là không trân trọng công sức của anh chị, mà là góc nhìn của các con về tình hình thị trường nhà đất hiện tại, hoặc các con có kế hoạch tài chính riêng.
Việc đối thoại sẽ giúp cả hai bên hiểu nhau hơn, tránh những hiểu lầm không đáng có. Về lâu dài, chị có thể cân nhắc điều chỉnh kỳ vọng và cách hỗ trợ con cái. Để các con tự lập sẽ giúp chúng hiểu rõ hơn về giá trị của đồng tiền và công sức lao động, điều đó không có nghĩa là chị phải rút hoàn toàn sự giúp đỡ.
Cân bằng giữa hỗ trợ và để con tự phát triển là một quá trình cần sự tinh tế. Quan trọng nhất, sau tất cả mọi chuyện, nhà chị vẫn duy trì sự tôn trọng và yêu thương trong gia đình mình. Đó cũng chính là tài sản đáng giá nhất mà anh chị dành cho con cháu!