Hồi cuối tuần rồi, ngành tài chính - ngân hàng, giới khởi nghiệp tại Mỹ và toàn cầu đã rúng động bởi thông tin ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản. Đây là ngân hàng hàng đầu của giới khởi nghiệp.
Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) ngày 10/3 đã tuyên bố tiếp quản hoạt động của ngân hàng có trụ sở tại thành phố Santa Clara, bang California. Để bảo vệ lợi ích của những người gửi tiền được bảo hiểm, FDIC đã thành lập một ngân hàng chuyển tiếp có tên DINB để tiếp nhận tài sản của Silicon Valley Bank và thanh toán cho những người muốn rút tiền. Hạn mức bảo hiểm của FDIC là 250.000 USD trên mỗi người gửi tiền, tại mỗi ngân hàng, theo mỗi loại sở hữu tài khoản.
Các trường hợp được nhận được khoản bảo hiểm tiền gửi này, theo quy định của FDIC. Thứ nhất là tất cả số dư tài khoản đơn (do một người sở hữu, không có thêm người thụ hưởng) của một người tại một ngân hàng sẽ được cộng lại với nhau và bảo hiểm tối đa 250.000 USD. Thứ hai, tất cả số dư của tài khoản đồng sở hữu (thuộc về hai hoặc nhiều người) sẽ được cộng lại với nhau và bảo hiểm tối đa 250.000 USD cho mỗi người đồng sở hữu.
Như vậy, nếu một người có 300.000 USD tại tài khoản không có đồng sở hữu sẽ nhận được 250.000 USD, khi SVB tuyên bố phá sản, từ Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ. Nếu người này có thêm một tài khoản đồng sở hữu cùng một người nữa trị giá 400.000 USD (200.000 USD cho mỗi người) thì có khả năng được nhận thêm từ FDIC 200.000 USD, theo quy định thứ hai.
Tính đến ngày cuối năm 2022, SVB có tổng tài sản 209 tỷ USD, tổng tiền gửi 175,4 tỷ USD. Khách hàng của ngân hàng này chủ yếu là chủ doanh nghiệp công nghệ, các kỹ sư, doanh nhân giàu có trong lĩnh vực công nghệ. Tài khoản của các khách hàng này thường lớn hơn nhiều ngưỡng bảo hiểm 250.000 USD của FDIC.
Trong thông báo ngày 10/3 của FDIC, số tiền gửi không bảo hiểm tại SVB hiện nay “chưa được xác định”, nhưng báo cáo mà SVB gửi tới FDIC trước đó cho thấy 89% tổng số tiền gửi 175 tỷ USD tại ngày cuối năm 2022 nằm ngoài hạn mức bảo hiểm, Reuters dẫn lại. Còn tờ Time ước tính tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm tại SVB là khoảng 85%. Như vậy, đồng nghĩa, khoảng 150 tỷ USD tiền gửi tại SVB không được bảo hiểm theo quy định của FDIC.
SVB là tổ chức đầu tiên được FDIC bảo hiểm phá sản trong năm nay. Ảnh minh họa.
FDIC chưa xác định được số tiền gửi vượt hạn mức bảo hiểm
Trong thông cáo của FDIC phát hành 12/3, FDIC đã thành lập Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara (DINB). Vào thời điểm kết thúc, FDIC với tư cách là người nhận ngay lập tức chuyển giao cho DINB tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của SVB.
"Tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có toàn quyền truy cập vào các khoản tiền gửi được bảo hiểm của họ chậm nhất là vào sáng thứ Hai, ngày 13 tháng 3 năm 2023. FDIC sẽ trả trước cho những người gửi tiền không được bảo hiểm một khoản trong tuần tới", thông cáo này nêu.
FDIC cũng cho biết thêm rằng, những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ nhận được chứng chỉ nhận tiền đối với số tiền còn lại trong số tiền không được bảo hiểm của họ. Khi FDIC hoàn tất việc bán tài sản của SVB, các khoản thanh toán trong tương lai có thể được thực hiện cho những người gửi tiền không được bảo hiểm.
SVB có 17 chi nhánh ở California và Massachusetts. Văn phòng chính và tất cả các chi nhánh của SVB sẽ mở cửa trở lại vào Thứ Hai, ngày 13 tháng 3 năm 2023. DINB sẽ duy trì giờ làm việc bình thường của SVB. Các hoạt động ngân hàng sẽ tiếp tục không muộn hơn Thứ Hai, ngày 13 tháng 3, bao gồm cả ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ khác. Séc chính thức của Ngân hàng Thung lũng Silicon sẽ tiếp tục.
Theo Đạo luật Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang, FDIC có thể tạo một DINB để đảm bảo rằng khách hàng tiếp tục sử dụng các quỹ được bảo hiểm của họ.
Thông cáo trên trang web chính thức, FDIC thông tin, tính đến ngày 31/12/2022, SVB có tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD và tổng số tiền gửi khoảng 175,4 tỷ USD.
"Tại thời điểm đóng cửa, không xác định được số tiền gửi vượt hạn mức bảo hiểm. Số tiền gửi không được bảo hiểm sẽ được xác định sau khi FDIC thu thập thêm thông tin từ ngân hàng và khách hàng", thông cáo mới nhất của FDIC nêu.
FDIC, với tư cách là người nhận, sẽ giữ lại tất cả tài sản từ SVB để xử lý sau này. Khách hàng vay nên tiếp tục thực hiện thanh toán như bình thường.
Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (hay Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ, tiếng Anh: Federal Deposit Insurance Corporation, viết tắt là FDIC) là một công ty của chính phủ Liên bang Mỹ hoạt động như một cơ quan độc lập để giám sát và bảo chứng lượng tiền ký thác ở các ngân hàng Mỹ.
Công ty này được thành lập năm 1933 qua Đạo luật Ngân hàng (1933 Banking Act) để phục hồi uy tín cho nền tài chính Mỹ, sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Tính đến năm 2013, FDIC bảo đảm 250.000 USD tối đa cho mỗi trương mục ký thác ở các ngân hàng thành viên, tổng số là 7,181 cơ sở trên toàn nước Mỹ.
Ngoài trách nhiệm kể trên, công ty FDIC cũng duyệt xét và giám sát những cơ sở tài chính để bảo đảm chức năng hoạt động, bảo vệ người tiêu thụ, và điều hành những cơ sở tài chính đã phá sản.
Về mặt tài trợ, chính phủ Mỹ không cấp ngân khoản nào cho công ty FDIC vì đây là cơ quan độc lập. Do đó các chi phí hoạt động là do phí thu từ các ngân hàng thành viên hưởng dịch vụ bảo hiểm. Một số lợi nhuận khác là từ các công phiếu của Ngân khố Mỹ.
SVB là tổ chức đầu tiên được FDIC bảo hiểm phá sản trong năm nay. Tổ chức được FDIC bảo hiểm cuối cùng đóng cửa là Ngân hàng Almena, Almena, Kansas, vào ngày 23 tháng 10 năm 2020.