Tôi bắt đầu lái xe từ năm 2007, đến nay đã có 11 năm kinh nghiệm ngang dọc đất Hà Nội và cũng đi không ít tỉnh thành ở Việt Nam. Tôi biết con số này chả có nghĩa lý gì với những bác tài đã cầm lái 20 – 30 năm.
Năm 2014, tôi gặp James – một phượt thủ Mỹ - trên chuyến đi Vịnh Hạ Long. Chúng tôi ngồi cùng thuyền ra Cát Bà.
Tôi nói vui với James rằng, nếu có thể “sinh tồn” với giao thông ở Hà Nội thì có thể lái xe ở khắp nơi trên thế giới. Lái xe ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đòi hỏi quá nhiều kỹ năng.
James cười và nói: “Cậu gọi cách người Việt điều khiển ô tô là lái xe sao? Tôi không nghĩ vậy. Tôi thấy đa phần người Việt không biết lái xe, nhưng lại luôn tự hào mình lái giỏi”.
Tôi cảm thấy tự ái, cũng giống cảm giác của đa phần độc giả sau khi đọc tiều đề bài viết này.
Nhiều người Việt không biết lái xe
Một năm sau cuộc nói chuyện với James, tôi sang Nhật du lịch. Tại Osaka, tôi được bạn cho mượn một chiếc Toyota. Suốt một tháng sau đó, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm lái xe ở nước ngoài.
Tôi quay lại Nhật vào năm 2016. Lần này là Tokyo. Tôi lại mượn được một chiếc xe của người cháu làm việc bên này và vi vu suốt nửa tháng.
Giữa năm 2017 tôi sang Singapore và cách đây một tuần, tôi trở về Việt Nam sau 10 ngày khám phá Đài Loan. Tại tất cả các quốc gia này, tôi đều có thời gian chạy xe.
Bây giờ thì tôi mới hiểu James muốn ám chỉ điều gì khi chê người Việt không biết lái xe.
“Biết lái xe” không có nghĩa là bạn trèo lên một chiếc xe, khởi động nó và lái từ điểm A tới điểm B. Đó chỉ có thể coi là “biết điều khiển một chiếc xe” mà thôi.
Còn biết lái xe có nghĩa là bạn phải lái một chiếc xe đúng các quy tắc giao thông đường bộ. Mà riêng khoản này, tôi thấy đa phần người Việt hoặc bị ép đi sai luật hoặc thậm chí chưa từng biết tới sự tồn tại của những quy định này.
Không tuân thủ luật giao thông là không biết lái xe
Xin được lấy nhanh một vài lỗi sai mà nhiều lái xe thậm chí còn không hết biết tới:
- Bạn từ đường nhỏ tiến ra đường lớn. Theo luật, trước khi nhập vào đường lớn, bạn phải dừng xe, quan sát cho đến khi đủ điều kiện thuận lợi, không ảnh hưởng gì tới những chiếc xe đang lưu thông trên đường lớn, mới được phép tiến vào.
Tuy nhiên, có lẽ phải tới 99% lái xe Việt cứ hồn nhiên phi thẳng từ đường nhỏ ra đường lớn, thậm chí còn ép người đang đi thẳng phải nhường.
- Rất nhiều chiếc xe ở Hà Nội có thói quen rẽ cắt cua tại những ngã tư lớn (từ điểm dừng đèn đỏ chạy chéo sang làn đối diện). Trong khi đó rẽ đúng luật thì phải chạy xe tới giữa ngã tư, bật xi nhan và dừng chờ cho đến khi nào hết xe đi thẳng mới bắt đầu rẽ.
Vì có quá nhiều xe cắt cua nên nhiều ngã tư lớn ở Hà Nội thường xuyên rơi vào tình trạng xung đột giao thông, dẫn tới tắc đường, dù lượng xe không hề lớn.
- Tại các nơi đèn đỏ cho phép rẽ phải, khi rẽ phải nếu gặp người đi bộ đi trên vạch kẻ đường phải giảm tốc độ hoặc dừng hẳn để nhường đường. Tuy nhiên, 90% người lái xe ở Hà Nội thậm chí còn rú còi ép người đi bộ phải nhường đường.
- Giữ một tốc độ ổn định khi tham gia giao thông cũng là điều các nước văn minh làm rất nghiêm, nhưng Việt Nam thì không hề để ý. Khắp đường phố Hà Nội, thi thoảng chúng ta lại bắt gặp những chiếc xe chạy chậm một cách khó hiểu giữa tim đường, gây cản trở giao thông. Điều này được người nước ngoài đánh giá là “không biết lái xe”.
Trước đây, tôi vẫn luôn cho rằng thực hành lái xe mới là mấu chốt, lý thuyết chỉ đọc cho vui. Nhưng càng lái xe ở những nước văn minh tôi càng ngộ ra: Học lý thuyết, chính là học những quy tắc của xã hội văn minh và biến chúng ta thành một người biết-lái-xe chứ không đơn thuần là biết điều khiển xe.
Giao thông Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành lớn ở Việt Nam nói chung trở thành đề tài châm biếm của bạn bè quốc tế cũng vì chúng ta điều khiển xe theo bản năng chứ không theo pháp luật.