Đụng vào đâu trên người trẻ em mới là dâm ô?

ĐỨC MINH |

Dự thảo 4 nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về tội phạm xâm hại tình dục lại có nhiều điểm mới.

TAND Tối cao vừa gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về tội phạm xâm hại tình dục, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Đây là dự thảo thứ tư được công bố, có rất nhiều điểm mới so với những dự thảo trước đó. Dự thảo này tiếp thu hầu hết khuyến nghị quan trọng của UNICEF Việt Nam.

Đáng chú ý, dự thảo dành một điều để giải thích từ ngữ thế nào là xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột tình dục trẻ em, quan hệ tình dục, bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục và dụng cụ khác.

Theo dự thảo, “ bộ phận nhạy cảm ” bao gồm bìu, mu, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực.

"Bộ phận khác trên cơ thể" là bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể không phải là bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm.

“Dụng cụ tình dục” là những dụng cụ được sản xuất chuyên dùng cho hoạt động tình dục (ví dụ dương vật giả, âm hộ giả, âm đạo giả…). Còn “dụng cụ khác” được giải thích là những đồ vật không phải dụng cụ tình dục nhưng có thể sử dụng cho hoạt động tình dục.

Về một số tình tiết định tội, dự thảo nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán quy định giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.

“Giao cấu với trẻ em dưới 10 tuổi được xác định là đã hoàn thành không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập” - dự thảo nêu rõ.

Hành vi quan hệ tình dục khác, theo dự thảo, là một trong các hành vi:

a) Quan hệ tình dục của người cùng giới tính;

b) Quan hệ tình dục của người khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục tiếp xúc về thể chất với cơ thể trẻ em nhưng không có mục đích giao cấu;

c) Hành vi quan hệ tình dục của những người khác giới tính thuộc một trong các trường hợp: sử dụng bộ phận sinh dục xâm nhập vào bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể; sử dụng bộ phận khác trên cơ thể xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm; sử dụng dụng cụ tình dục, dụng cụ khác xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể.

Cũng theo dự thảo, dâm ô là một trong các hành vi:

a) Dùng bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác tiếp xúc về thể chất (trực tiếp hay gián tiếp qua áo quần) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của trẻ em (vuốt ve, sờ mó, bóp, cấu véo, hôn, liếm) có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục;

b) Sử dụng dụng cụ tình dục, dụng cụ khác tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

Hướng dẫn một số tình tiết định khung, dự thảo quy định có tính chất loạn luân là một trong các trường hợp:

a) Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;

b) Phạm tội đối với cô, dì, chú, bác, cháu ruột;

c) Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;

d) Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;

đ) Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.

Như vậy, dự thảo vẫn giữ quy định tại các trường hợp (d) và (đ), dù quá trình thảo luận nhiều ý kiến cho rằng đây là những hành vi đáng lên án nhưng hoàn toàn không có tính chất loạn luân.

Ngoài ra, dự thảo cũng dành hai điều quy định về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục trẻ em và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là trẻ em…

Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự

Dự thảo 4 dành một điều quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Theo đó:

1. Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146 của BLHS (tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi) nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non).

b) Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của trẻ em nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân).

2. Không xử lý hình sự về tội phạm tương ứng đối với hành vi quan hệ tình dục đồng thuận giữa những người từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi, trừ trường hợp quay lại cảnh quan hệ tình dục sau đó phát tán ra công chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại