Đừng tưởng làm smartphone gập mà dễ, khó khăn nào đang chờ đợi các nhà sản xuất như Samsung, Apple hay Huawei

Minh Phát |

Trong cuộc đua hiện thực hóa một thiết bị màn hình gập, các ông lớn công nghệ sẽ phải lựa chọn giữa một sản phẩm đột phá hay thiết kế mang tính hữu dụng.

Để bước chân vào cuộc chơi smartphone màn hình gập, cho dù là mới chân ướt chân ráo tiến vào, các ông lớn công nghệ cũng phải có tối thiểu từ 1 đến 2 năm kể từ lúc nộp bằng sáng chế. Cá biệt có những trường hợp như của Samsung, công bố về khả năng bẻ cong tấm nền OLED từ năm 2009, nghĩa là đã tròn 10 năm nhưng đến giờ vẫn chưa được thấy phiên bản thương mại hóa của Galaxy Fold.

Vậy đâu là những khó khăn đã và đang chờ đợi hàng loạt nhà sản xuất khác, như Apple Huawei hay Oppo, trên con đường tìm đến thành công của những chiếc smartphone màn hình gập?

Đột phá hay đơn giản chỉ là khơi gợi sự tò mò?

Đầu tiên, hãy nói đến việc các ý tưởng thiết kế sản phẩm là ranh giới giữa sự đột phá hay chỉ là việc làm thỏa mãn sự tò mò nhất thời của người dùng. Lấy ví dụ từ chính Samsung, công ty này đã từng rất thành công với việc cho ra mắt bút S Pen đi kèm dòng máy Galaxy Note.

Đừng tưởng làm smartphone gập mà dễ, khó khăn nào đang chờ đợi các nhà sản xuất như Samsung, Apple hay Huawei - Ảnh 1.

Bút S Pen và Galaxy Note là một cặp đôi hoàn hảo.

Ban đầu, ông lớn công nghệ đến từ xứ Kim Chi chỉ muốn bút S Pen trở thành biểu tượng của điện thoại màn hình lớn, hay cùng lắm cũng chỉ giúp cho người dùng tận dụng tối đa trải nghiệm trên bị Galaxy Note mà không cần đến tablet. Nhưng sau đó, chính sự đột phá đúng lúc đúng chỗ đã biến Samsung thành kẻ đi đầu của cùng lúc hai tiêu chuẩn mới. Một là tất cả những thiết bị smartphone màn hình lớn sau này đều phải có kích thước màn hình tương đương Galaxy Note hoặc lớn hơn. Hai là nếu đã có màn hình lớn nhưng không đi kèm bút cảm ứng thì sản phẩm đó xem như mất đi 50% giá trị.

Nhưng cũng chính là Samsung, không ít lần tự đặt ra cho bản thân những bước thụt lùi, khi chỉ làm thỏa mãn sự tò mò nhất thời từ công chúng thay vì phải tạo ra sự đột phá. Điển hình như smartphone kiêm máy chụp ảnh với hàng loạt trang bị vốn chỉ có trên các dòng máy chụp hình chuyên nghiệp. Bởi cuối cùng, thứ mà người dùng mong muốn vẫn là những chiếc điện thoại với kích thước nhỏ gọn mà ai cũng có thể cầm nắm trong tay.

Đừng tưởng làm smartphone gập mà dễ, khó khăn nào đang chờ đợi các nhà sản xuất như Samsung, Apple hay Huawei - Ảnh 2.

Điện thoại kiêm máy ảnh không phải là ý tưởng hay.

Đáng tiếc là những chiếc smartphone kiêm máy ảnh của Samsung đã không đáp ứng được mong muốn đó. Thiết kế quá dày vì phải gồng gánh thêm một máy ảnh thu nhỏ, làm cho đa số người dùng quan tâm có thể quyết định quay lưng ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy. Đó là còn chưa kể đến việc dù cố gắng đến mấy thì smartphone vẫn là smartphone và máy ảnh thì vẫn là máy ảnh. Một chiếc điện thoại thời bấy giờ chắc chắn vẫn còn không ít thiếu sót so với bất cứ một thiết bị chụp ảnh đích thực nào sử dụng cho mục đích chuyên nghiệp.

Cuối cùng, Samsung chỉ thật sự làm tốt trong cuộc chiến tìm ra người giỏi khơi gợi sự tò mò từ người dùng, còn tính đột phá thì chẳng thấy đâu.

Cuộc chạy đua của những kẻ máu mặt

Khỏi phải nói, Samsung không phải những người duy nhất tham gia vào cuộc cách mạng điện thoại màn hình gập. Đã 10 năm kể từ lần đầu họ công bố khả năng bẻ cong của tấm nền OLED, nghĩa là cũng có từng ấy thời gian cho những nhà sản xuất khác bước chân vào đường chạy. Từ những thương hiệu cạnh tranh trực tiếp như Apple, Huawei, LG cho đến Energizer - cái tên mà chẳng ai dám nghĩ họ cũng có ngày sẽ cho ra mắt những chiếc smartphone.

Đừng tưởng làm smartphone gập mà dễ, khó khăn nào đang chờ đợi các nhà sản xuất như Samsung, Apple hay Huawei - Ảnh 3.

Huawei cũng rất mặn mà với smartphone màn hình gập.

Xiaomi cũng không chịu kém cạnh khi trở thành cái tên tiếp theo gia nhập cuộc đua, không bao lâu sau khi những chiếc Galaxy Fold ra mắt giới mộ điệu toàn cầu. Lợi thế của họ là giá rẻ. Việc giữ cho lợi nhuận phần cứng không bao giờ vượt mức 5% đồng nghĩa rằng sản phẩm màn hình gập của công ty này chắc chắn không bao giờ đạt mức giá lên đến 2.000 USD.

Hay như LG, khi họ thậm chí chưa bán ra một chiếc smartphone màn hình gập nào thì đã nhanh chóng giới thiệu một thiết bị màn hình linh hoạt khác còn gây bất ngờ hơn. Đó chính là TV với khả năng cuộn lên xuống như một sản phẩm rèm che cửa hay màn chiếu.

Đừng tưởng làm smartphone gập mà dễ, khó khăn nào đang chờ đợi các nhà sản xuất như Samsung, Apple hay Huawei - Ảnh 4.

Chiếc TV màn hình cuộn của LG tưởng như chỉ có trong phim viễn tưởng.

Hơn một năm qua, đã có tin đồn rằng Motorola sẽ giới thiệu một chiếc điện thoại dòng RAZR mới với màn hình có thể gấp đôi như điện thoại nắp gập. Oppo cũng không ngại ngần tung ra teaser về một chiếc điện thoại có thể gập lại và nộp bằng sáng chế riêng cho nó.

Còn Apple thì sao, họ vẫn luôn nổi tiếng với những bước đi khôn ngoan và lần này cũng vậy. Công ty này sẽ chờ đợi xem dòng sản phẩm đó có nhận sự quan tâm cao từ phía người dùng hay không, tỉ lệ chuyển đổi giữa người quan tâm và người thật sự chọn mua là như thế nào. Kế nữa, "táo khuyết" sẽ cân nhắc xem đã làm thật sự tốt mọi công đoạn trong quy trình hay chưa, trước khi quyết định hiện thực hóa những thứ đang nằm trên bản vẽ. Dẫu sao, Apple chưa bao giờ giới thiệu cùng lúc 4 thiết bị iPhone và màn hình gập có thể là một yếu tố làm nên giá trị cho một sản phẩm hoàn toàn mới.

Theo Wall Street Journal, hai năm tiếp theo được dự đoán sẽ vẫn là thời gian cho các công ty công nghệ chạy đua công nghệ màn hình gập, trước khi có một sản phẩm nào đó thật sự được bán ra thị trường. Sau nhiều năm với quá ít điểm đột phá và những cuộc cách mạng về công nghệ di động, màn hình gập cuối cùng đã làm cho các ông lớn công nghệ phải thật sự tham gia vào cuộc chiến mới.

Tham khảo bài viết của Dave Haynie - Quora

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại