Đừng tưởng bạn đã biết: Hoa sữa được "đối xử" như thế nào trên thế giới?

Gabe - Hoa Hướng Dương |

Không phải chỉ mỗi Việt Nam mới có hoa sữa, chúng được trồng ở khá nhiều nơi trên thế giới.

Có lẽ với nhiều người đã và đang sống ở Hà Nội thì mỗi khi đất trời bắt đầu chuyển sang cái lạnh đầu đông, họ lại bồi hồi trước một điều đặc biệt khó quên: hương hoa sữa. 

Từ những câu thơ, câu hát lãng mạn đi vào thực tế, hoa sữa ngày nay được trồng ở Hà Nội nhiều đến mức cứ vài dãy phố chúng ta lại cảm nhận được mùi hương của nó.

Tạm gác qua một bên "nỗi khổ của một nửa thành phố" khi phải ngửi mùi hương hoa quá đậm đặc, nhất là với những người sống gần hoặc sát loài cây này, dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu xem vậy loài hoa này có ở những đâu trên thế giới? Và ở đó, nó được người ta "đối xử" ra sao? 

Hoa sữa trên thế giới

Hoa sữa có danh pháp  khoa học là Alstonia scholaris L. R. Br. thuộc chi Hoa Sữa, họ Trúc đào (Apocynaceae). Nó cũng có nhiều tên gọi khác nhau như cây bảng đen, cây pho mát trắng, thậm chí: cây của ác quỷ (Devil's Tree). Có lẽ tên gọi không mấy hay ho đó đến từ chính mùi hương quá nồng nàn, khó phai của hoa sữa.

Đừng tưởng bạn đã biết: Hoa sữa được đối xử như thế nào trên thế giới? - Ảnh 1.

Với mật độ hoa sữa dày thế này, chắc chắn mùi hương nó mang đến không chỉ dừng lại ở mức "thoang thoảng".

Ngoài Việt Nam, loài cây này được trồng nhiều khu vực nhiệt đới, nhất là Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Australia... Tại nhiều nơi, cây có thể cao tới 40m và có đường kính khổng lồ. 

Giống như ở Việt Nam, hoa sữa trên thế giới cũng thường nở vào khoảng đầu tháng 10 đến đầu tháng 12 dương lịch.

Gần như ở đâu nó cũng được miêu tả như một loại cây thanh lịch, có mùi hương thơm đặc trưng, hoa nhỏ, trắng muốt rất đẹp. Tuy nhiên thái độ của người dân ở từng nơi lại tương đối khác nhau, thậm chí, ngay tại một khu vực cũng có sự mâu thuẫn.

Tại Việt Nam và đặc biệt ở Hà Nội thì đã rõ: dường như luôn có "một nửa" là những người chờ đón yêu mến, và "nửa còn lại" giống như là "anti-fan" vậy. Tất cả chỉ tại mùi hương!

Đừng tưởng bạn đã biết: Hoa sữa được đối xử như thế nào trên thế giới? - Ảnh 2.

Ở Ấn Độ, hoa sữa cũng được đón nhận bằng nhiều niềm yêu thích, người ta mô tả mùi hương của nó như sau: "khiến con người dù bận rộn cũng phải dừng lại để thưởng thức". Tại đây, hoa sữa được trồng nhiều trong các công viên, khu vui chơi với mật độ vừa phải để tạo không khí thoải mái cho người dân.

Tại Đài Loan, mùi hương mạnh đặc trưng của hoa sữa lại khiến nó nhận khá nhiều "gạch đá", như ở thành phố Pingtung.

Vào ban đêm, không khí trở nên dày đặc với mùi hương có phần hăng của hoa sữa, nó đậm đặc đến nỗi khiến nhiều người bị mất ngủ. Dần dần, tình hình trở nên căng thẳng hơn, các cơ quan quản lý tại đây nhận được lượng lớn đơn thư khiếu nại về vấn đề này. 

Kết quả khá nhiều cây hoa sữa gần khu dân cư và trường học đã bị chặt hạ, chỉ còn lại những cây được trồng ở công viên, đê sông và vỉa hè của thành phố. Đối với một số nơi không muốn chặt hạ, họ được khuyên cắt lá, tỉa cành để hạn chế sự phát tán của mùi. 

Theo Taipeitimes, ông Chen Chia-yin, hiệu trưởng trường trung học Chihcheng, nói rằng có hơn 30 cây bảng (tên gọi khác của hoa sữa) trong trường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới học sinh mỗi mùa hoa sữa đến. Cuối cùng, họ cũng phải chặt hạ 2/3 số lượng trên.

Đừng tưởng bạn đã biết: Hoa sữa được đối xử như thế nào trên thế giới? - Ảnh 3.

Hoa sữa đẹp tinh khôi, thơm nồng nàn nhưng cũng sở hữu rất nhiều "anti-fan".

Một số tác hại và công dụng của hoa sữa

Mặc dù không có độc nhưng mùi hoa sữa nồng nặc có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe, nhất là hệ hô hấp như viêm mũi dị ứng, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu khó chịu và nếu hít quá nhiều sẽ gây choáng váng, chóng mặt, khó thở.

Tuy chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về thành phần hoa sữa và tác động của nó tới sức khỏe nhưng dấu hiệu tác động của nó đều được ghi nhận khá rõ nét nếu một người đứng dưới gốc hoa sữa quá lâu.

"Nếu bệnh nhân hen suyễn đứng dưới gốc cây hoa sữa quá lâu, họ có thể gặp một số vấn đề về hô hấp", đó là những gì mà cơ quan chức năng ở Noida (Ấn Độ) cho biết khi tiến hành chặt các cây hoa sữa để thay thế bằng cây bằng lăng.

Đừng tưởng bạn đã biết: Hoa sữa được đối xử như thế nào trên thế giới? - Ảnh 4.

Với nhiều người, đứng dưới tán cây hoa sữa thời điểm này chẳng khác nào bị tra tấn. Ảnh 24h

Ngoài ra, hoa và quả của loại hoa này còn có tính tự phát tán, lớp lông mỏng bao phủ mà khi khô đi thường tạo thành bụi và phát tán vào không khí khiến không chỉ những người có tiền sử hen suyễn, viêm xoang mà cả những người khỏe mạnh cũng dễ bị dị ứng ngoài da, nổi mẫn, mụn gây ngứa...

Tệ hơn, nếu hít quá nhiều sẽ gây ra viêm mũi dị ứng và viêm phế quản, đối với nhiều người mùi hoa sữa còn là nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ, nếu kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ quả không tốt cho sức khỏe và tinh thần, ảnh hưởng tới tâm sinh lý và công việc. 

Về một số công dụng, tại Ấn Độ và một số nước khác, gỗ từ cây hoa sữa có thể sử dụng để làm bảng đen cho các lớp học. Cũng vì vậy mà hoa sữa còn có tên gọi khác là cây bảng đen (blackboard tree).

Ở Borneo, người ta có thể sử dựng phần gỗ gần gốc để làm dụng cụ trong gia đình. Thậm chí tại Sri Lanka, gỗ của chúng còn được dùng để đóng quan tài.

Bên cạnh phần thân cây hoa sữa, nhiều bộ phận khác cũng được tận dụng triệt để. Như tại Ấn Độ, người ta sử dụng vỏ cây như một liệu pháp trong điều trị sốt rét, tiêu chảy mãn tính và kiết. 

Tại Philippines trước đây, người ta sẽ sử dụng chất sữa, chất mủ cao su từ vỏ cây và lá để làm một loại thuốc bôi điều trị chứng nhọt. Họ cũng sẽ kết hợp nước ép cao su từ cây để chữa bệnh đau tai.

Có thể thấy, không chỉ ở Việt Nam, hoa sữa cũng là ngọn nguồn của mâu thuẫn tại nhiều khu vực trên thế giới dù cho nó mang trong mình hương thơm nồng nàn và vô số công dụng khác nhau.

Hoa sữa và Hà Nội. Nguồn: Youtube/Ký Ức Hà Nội

* Tham khảo nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại