Dùng S-400 làm "con tin": Thổ Nhĩ Kỳ tung "đòn hiểm" buộc Nga phải ngừng chiếm đánh Idlib?

Mạnh Kiên |

Có ý kiến cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ yêu cầu Moscow kiềm chế các hoạt động quân sự của quân đội Syria tại Idlib, bằng không Ankara có thể “hủy kèo” bằng cách phá hoại hợp đồng mua tổ hợp S-400.

Dùng S-400 làm con tin: Thổ Nhĩ Kỳ tung đòn hiểm buộc Nga phải ngừng chiếm đánh Idlib? - Ảnh 1.

S-400 là thương vụ gắn kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

S-400 sẽ không liên quan đến Idlib?

Liên minh giữa Ankara và Moscow đang trải qua thời kỳ bão táp trong khu vực Idlib khi quân đội Syria tiến hành các đợt tiến công dữ dội vào thành trì cuối cùng của phiến quân.

Câu hỏi đặt ra là liệu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục bồi đắp mối quan hệ thân thiết vốn có hay sẽ có các động thái làm đổ vỡ tất cả.

Đã có quan điểm cho rằng, với sự hợp tác và phụ thuộc khá sâu sắc trên nhiều lĩnh vực từ vũ khí cho đến năng lượng, hai nước sẽ dễ dàng tìm ra những đòn bẩy nhằm kìm chế lẫn nhau. Một trong số đó là sử dụng thương vụ mua bán S-400 đình đám.

Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây áp lực lên Nga bằng cách yêu cầu Moscow kiềm chế các hoạt động quân sự của quân đội Syria tại Idlib, bằng không Ankara có thể "hủy kèo" bằng cách phá hoại hợp đồng mua tổ hợp S-400.

Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá đây là kịch bản khó có khả năng xảy ra, vì hành động như vậy sẽ chỉ thiệt thòi cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng chú ý hơn khi chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 10/2 đã bác bỏ khả năng này, khi nói rằng ông không thấy có lý do gì để "kích hoạt một cuộc đối đầu nghiêm trọng với Nga" vì hai bên đều có chung với nhau những sáng kiến chiến lược.

Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng các sự kiện gần đây ở Idlib, bao gồm cả vụ pháo kích của quân đội Syria khiến binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, sẽ không tác động đến quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga.

Thậm chí, một số quan điểm khác còn cho rằng chính thương vụ S-400 sẽ là giá trị gắn kết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thay vì Ankara lợi dụng điều này làm đòn bẩy gặt hái lợi ích ở Idlib.

Nói với Arab News, chuyên gia Aaron Stein, người đứng đầu chương trình Trung Đông tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ) tin rằng, Tổng thống Erdogan vẫn sẽ cố gắng sát cánh cùng người đồng cấp Putin "vì Ankara nợ Moscow rất nhiều tiền trong thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 trị giá 2 tỷ USD, do đó hai bên vẫn còn có rất nhiều để nói với nhau".

Tan rồi hợp

Dùng S-400 làm con tin: Thổ Nhĩ Kỳ tung đòn hiểm buộc Nga phải ngừng chiếm đánh Idlib? - Ảnh 2.

Các sự cố ở Syria sẽ khó ảnh hưởng đến Nga-Thổ.

Theo các nhà phân tích, trong tương lai gần, Nga-Thổ sẽ không còn vấp phải những sự cố gây rạn nứt ở Syria thêm một lần nào nữa, vì hai nước ngày càng phụ thuộc vào nhau nhiều hơn trong các lĩnh vực từ năng lượng đến thương mại và quốc phòng.

"Căng thẳng Ankara và Moscow luôn bị hạn chế bởi sự hợp tác và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên, vì hai nước phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế", chuyên gia Jana Jabbour từ đại học Science Po ở Paris nói.

"Hai nước biết cách tách căng thẳng ra khỏi sự hợp tác của họ trong các lĩnh vực quan trọng", bà cho biết.

Mặc dù đợt tấn công gây thương vong mới nhất ở Syria là một lời nhắc nhở gay gắt về sự thất vọng ngày càng tăng của Nga đối với động thái bấp bênh của Ankara, hai nước sẽ dễ dàng vượt qua cuộc khủng hoảng vì cả hai vẫn có các mục tiêu khu vực chưa hoàn thành.

Về vấn đề Idlib, rõ ràng là thỏa thuận Sochi do Ankara và Moscow khởi xướng vào tháng 9/2018 đã không thực sự còn hiệu quả. Tuy nhiên, Emre Ersen, một nhà phân tích Syria tại Đại học Marmara ở Istanbul cho rằng, Ankara và Moscow vẫn cần sự hỗ trợ của nhau để duy trì ảnh hưởng quân sự ở Syria.

Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ cần sự hỗ trợ của Nga để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình ở phía Đông sông Euphrates. Mặt khác, Nga có lẽ sẽ không muốn xa lánh Thổ Nhĩ Kỳ, vì điều đó có thể ươm mầm cho một mối quan hệ mới giữa Ankara và Washington.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại