Xin hãy tỉnh táo
Giả lời nói thì gây ra bực bội. Giả hành động thì gây ra căm phẫn. Giả cảm xúc thì gây ra sự phản cảm. Nói chung, cái giả nào từ những thước phim của bạn đều mang đến những phản ứng tiêu cực.
Ghép lại, có chút trùng hợp với câu chuyện của VTV và VTV 24, khi mà họ bị "tố giả" một số tác phẩm trong thời gian qua.
Bắt đầu từ mớ rau được cho là "giả rau sạch" ở Thanh Hoá làm dư luận phẫn nộ, đời sống nông dân điêu đứng một thời gian ngắn.
Rồi nghi vấn về tính chân xác trong phóng sự quy trình sản xuất pate và xúc xích ở xã Tiên Phương (Chương Mỹ- Hà Nội).
Với kinh nghiệm của một người làm nghề và cũng đã từng bị trả giá về bài viết "một nửa sự thật", tôi không nghĩ rằng tất cả những vụ tố VTV 24 làm, là "giả hết". Ít nhất, phải có một nửa hoặc nhiều hơn thế, sự thật.
Mọi thứ cũng bắt đầu từ những điều có thật mà trong quá trình thực hiện, có thể, họ đã không làm tới cùng cộng với việc ẩu trong tác nghiệp dẫn đến một số sai sót, thậm chí sai phạm.
Tôi không bênh vực VTV, nhưng thực tế, những vấn đề họ đặt ra, không phải không có cơ sở. Cơn bão thực phẩm bẩn đang cướp đi sự sống và tương lai của không ít người dân Việt Nam, đó là những điều có thật.
Hình ảnh trong clip phóng sự mà VTV thừa nhận là "có dàn dựng" và "phản ánh không trung thực".
Rau bị phun hoá chất và thậm chí làm giả "sâu" để chứng minh là sạch, không phải là không có trong xã hội. Xúc xích bẩn, xin thưa, cũng đầy rẫy ra. Nó đang đi vào đường ruột của người dân Việt Nam và chẳng biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Gỗ lậu ư, chuyện như cơm bữa rồi. Không thì làm sao có những quán cà phê đầy gỗ quý? Không thì làm sao mà những cánh rừng bị huỷ hoại mà lâm tặc không thể tự nhiên lộng hành nếu không có sự tiếp tay?
Có thể VTV sai phạm trong tác nghiệp nhưng không có nghĩa là những thứ ấy đang không có thật ở trên đất nước hình chữ S này.
Bạn phê phán VTV, bạn có lý, vì có thể bạn ở cảm xúc của người bị diễn trò, hay đúng hơn họ đang phản bội niềm tin của bạn vì những thứ sai sự thật.
Xin bạn hãy tỉnh táo để không phản ứng thái quá mà quên mất những thứ tội phạm từ hữu hình đến vô hình đang nhởn nhơ ngoài kia.
Chắc chắn, một bộ phận không nhỏ đó, lại là những người đang tố VTV theo cách "phản đòn" vì đã "dám động vào ông", đầy rẫy trên mạng xã hội.
Bạn có quyền giận VTV và VTV 24, vì đã sản xuất một vài thứ "hàng giả". Nhưng đừng vì cơn giận đó mà quên đi những kẻ đang giết đồng bào bằng việc bán thực phẩm bẩn; những kẻ đang tàn phá tài nguyên đất nước một cách có hệ thống đang té nước theo mưa để mưu lợi cho chúng.
Bất cứ sự dối trá, cẩu thả nào trong nghiệp vụ cũng đáng lên án. Nhất là có không nói có khiến cho đối tượng được nói chịu oan khuất. Nhưng, điều đó nó khác với việc: có chuyện đó, nhưng chưa thể chứng minh được hoặc chứng minh sai.
Bạn ném đá VTV nhưng bạn đừng quên đi những kẻ xấu mà chúng ta biết mười mươi là có, khi mà VTV chưa chứng minh được hoặc đang chứng minh sai cách. Khi đó những kẻ xấu sẽ vẫn nhởn nhơ và ngư ông đắc lợi.
Đừng vay mượn cảm xúc
Một cơ quan báo chí có sai, cái giá đắt nhất họ phải trả là sự mất niềm tin của công chúng - đó là sự trừng phạt lớn nhất đối với họ.
Giả thông tin, giả chứng cứ và giả cảm xúc, cái "giả" thứ ba là điều tưởng rất nhẹ nhàng nhưng lại là điều đáng sợ nhất. Bởi vì, hình ảnh là thứ đi trực tiếp vào cảm xúc của người xem.
Bởi vì bạn tôn trọng cái cảm xúc thật, sẽ dễ dàng chạm đến trái tim của người xem. Còn nếu bạn dùng cảm xúc giả để thuyết phục người xem, điều đó thật tàn nhẫn.
Cách đây mấy năm, VTV có làm phóng sự "Ký ức Truông Bồn". Do chủ quan trong tác nghiệp, ê kíp đã tìm sai người sống sót. Cô nhân chứng giả cũng lên truyền hình gào khóc kêu tên đồng đội như… thật.
Bao nhiêu đồng đội đã chảy nước mắt khi xem và cuối cùng, họ hoàn toàn thất vọng khi biết người trên phim đó không phải là thật. Người thật còn sống, với một số phận rất nghiệt ngã.
Cái cảm giác bị lừa dối về cảm xúc, thật kinh khủng.
Chúng ta đã có những ngày dài làm báo theo kiểu trả bài. Cứ đến biên cương thì bài báo y như rằng có hình mấy anh bộ đội cầm tờ báo, bên cạnh là mấy cô đồng bào tặng bó hoa và cười bẽn lẽn.
Một thời gian dài chúng ta xem phim truyền hình, đến cảnh yêu nhau ở nông thôn là y như rằng, cô gái tóc bím cùng chàng trai đuổi nhau cười khúc khích ở bên gốc cây.
Vâng, cái thứ cảm xúc trả bài ấy đến nay vẫn chưa hết đâu. Và dĩ nhiên, chúng ta đừng đưa những thứ ấy, vào tác phẩm báo chí của mình. Hãy để chúng ngủ yên với thời xưa cũ.
Cảm xúc thật luôn đụng đến được trái tim con người. Cảm xúc giả hoặc vay mượn, dĩ nhiên là không.
Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24 Lê Bình tỏ ra vô cùng quyết liệt trước ý kiến cho rằng "Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến" là đạo lại kịch bản ký sự của Nga.
Khi tôi xem Ký sự Syria, tôi không thấy xúc động chút nào trước cảnh khóc của người dẫn.
Bạn tôi, một phóng viên quốc tế chuyên đi làm ký sự chiến tranh, đã nói với tôi rằng đến đó họ chẳng còn thời gian để sống với cảm xúc của mình. Giống như bất kỳ người lính nào khi ra trận, họ sẽ không còn thời gian để ngồi viết nhật ký.
Và bạn tôi, đã bao lần bị trầm cảm sau khi dựng xong những thước phim hãi hùng từ nơi mà họ có thể tước đi mạng sống bất cứ lúc nào.
Chiến sự luôn có những điều để nói, kể cả khi tiếng súng im rồi. Hãy nói, rất thật, với cảm xúc thật. Cảm xúc không đồng nghĩa với nước mắt! Và nhà báo chúng ta, phải là người vượt lên cảm xúc của chính mình để mang đến những tác phẩm khách quan nhất.
Và bây giờ, chắc các bạn cũng hiểu rõ, tại sao các bạn bị ném đá, bị mất niềm tin. Tìm ra nguồn cơn ấy, mọi thứ sẽ khác đi nếu bạn rũ bỏ được nó.
Cuộc sống với bao nhiêu éo le, bao nhiêu mất mát, khổ đau và bất công mà tôi biết, các bạn đang đi tìm kiếm và tìm cho ra bằng được.
Những kẻ gây ra éo le, mất mát, khổ đau cho người khác còn đầy rẫy ngoài kia. Các bạn đã dũng cảm để đi tìm thì hãy tìm cho ra chúng. Đâu cần dàn dựng, đâu cần vay mượn cảm xúc để lấy tình cảm của khán giả, các bạn hoàn toàn có thể làm được.
Vẫn với nhiệt huyết ấy, với máu lửa của những người muốn tìm ra sự thật để phơi này mọi thứ trước ánh sáng, các bạn hãy đứng dậy sau sai lầm, để tiếp tục chinh chiến.
Những kẻ đang nhởn nhơ ngoài kia, đang gieo cái chết cho đồng bào, đang gây bao nhiêu bất công ngang trái cho cuộc đời, khán giả đang cần người đứng dậy chỉ tên vạch mặt, một cách công minh, chân thực và dũng cảm.
Hãy sản xuất nhiều hơn nữa "hàng thật" để chuộc lại những lầm lỗi của mình. Khán giả khắt khe, nhưng cũng thật bao dung.