Khái niệm “chống biến đổi khí hậu” được nhắc đi nhắc lại trên truyền thông nghe thật to tát và khô khan; nhiều người vẫn coi đây là một công cuộc “cứ từ từ làm”. Khi nói đến chuyện bảo vệ Trái đất, người ta thường kêu gọi hành động thật mạnh mẽ để cứu lấy đời con cháu, để trao cho các thế hệ sau môi trường sống an lành.
Nhưng nghĩ như vậy là quá ảo tưởng về tình hình Trái đất hiện nay. Biến đổi khí hậu không phải đe dọa thế hệ con cháu chúng ta, mà đang thực sự giết chết chính con người của thế hệ này. Sự hủy diệt của biến đổi khí hậu không phải nguy cơ, mà là thực trạng, là vấn đề của hiện tại chứ không phải tương lai.
Bé gái 5 tuổi ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) tử vong do sập nhà trong trận mưa kèm dông lốc đêm 20/4 vừa qua chính là một trong vô số nạn nhân của biến đổi khí hậu. Tình trạng thời tiết diễn biến thất thường đến mức quái gở gây ra những thảm họa bất ngờ đã lấy đi sinh mang bao người Việt Nam trong những năm qua.
Những người còn sống bị hành hạ khốn khổ bởi những thay đổi của thiên nhiên, không chỉ liên quan đến sức khỏe hay sự an toàn mà còn là chuyện sinh kế. Những cánh rừng bốc cháy, những hồ trơ đáy khiến cá chết khô, vật nuôi chết khát, những kênh rạch cạn kiệt nước, những cánh đồng bị xâm nhập mặn, những đợt lũ lụt, băng giá vùi dập mùa màng, giết chết gia súc... khiến nhiều gia đình trở nên trắng tay.
Biến đổi khí hậu không phải tận đẩu đâu mà ở ngay trước mặt mỗi người. Câu nói “chúng ta sẽ phải trả giá cho cách hành xử với thiên nhiên” đã lạc hậu rồi, sự thật là chúng ta đã và đang nhận quả báo nhãn tiền. Và tất nhiên, càng về sau, hậu quả sẽ càng ghê gớm hơn nữa.
Một báo cáo công bố ngày 16/1 tại Hội nghị Thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024) ở Thụy Sỹ cho biết, biến đổi khí hậu có nguy cơ gây ra thêm 14,5 triệu ca tử vong và gây thiệt hại kinh tế 12.500 tỷ USD trên toàn thế giới tính đến năm 2050.
Trong 6 hậu quả chính của biến đổi khí hậu gồm lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt, bão nhiệt đới, cháy rừng và mực nước biển dâng cao, riêng lũ lụt sẽ gây ra 8,5 triệu ca tử vong đến năm 2050, là “nguy cơ cấp tính cao nhất về tử vong do khí hậu”. Nguyên nhân thứ hai là hạn hán, dự báo sẽ cướp đi sinh mạng của 3,2 triệu người. Còn các đợt nắng nóng là thủ phạm gây thiệt hại cao nhất về kinh tế.
Nếu không cố tình giả vờ mắt mù tai điếc, mỗi người Việt Nam ngày nay đều có thể dễ dàng nhận thấy, những nội dung của báo cáo trên cũng là thực tế diễn ra xung quanh mình.
Trái đất hình thành cách đây hơn 4,5 tỷ năm và đã tốn xấp xỉ 4 tỷ năm để có một hệ sinh thái phong phú, giàu có nhất với đa dạng giống loài động - thực vật vừa đấu tranh vừa nương tựa vào nhau để sinh tồn. Loài người tinh khôn (Homo Sapiens) chúng ta mới phát triển khoảng 200 nghìn năm trước, đến cách đây 13.000 năm trở thành loài người duy nhất sống trên hành tinh xanh. Nhưng chỉ trong hơn một vạn năm bá chủ đó, chúng ta đã kịp biến Trái đất thành cái dạng như ngày nay.
Nếu cứ tiếp tục tác động đến thiên nhiên theo cái kiểu phá hoại mà chúng ta đang làm, “mũi tên sự sống loài người” bắn về điểm tuyệt chủng chẳng còn bao lâu nữa sẽ cắm vào đích.
Đến thời điểm này trong lịch sử tồn tại của mình, có lẽ loài người không kịp đưa Trái đất trở lại “thời thanh xuân cường tráng” xưa kia. Điều chúng ta có thể làm là trì hoãn đà suy thoái của nó, làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu để giữ nó làm ngôi nhà cho nhân loại lâu nhất có thể. Muốn vậy, mọi hành động đều phải thực hiện từ bây giờ, mỗi người đều phải bắt tay vào.
Chống biến đổi khí hậu là công cuộc lâu dài, gần như chưa biết đến điểm cuối, nhưng cũng là việc khẩn cấp mà điểm bắt đầu phải là ngay lúc này. Đừng xem “cứu Trái đất” như một hành vi nghĩa hiệp, vị tha, vì cháu con gì cả, mà là chúng ta tự cứu mình đó, cứ trì hoãn sẽ không kịp đâu!