Việt Nam không có lễ hội Carnival, nhưng có thể đang vô tình sở hữu một "Canival" theo một cách nào đó...
"Việt Nam thắng rồi, xuống đường thôi!" Đó là câu cửa miệng của đa số người dân Việt Nam sau mỗi chiến thắng của đội tuyển. Sau đó thì nồi, niêu, xoong, chào, cờ xí, kèn, trống, và đương nhiên là áo đỏ Việt Nam được dọn ra, tất cả cùng nhau ngồi lên một chiếc xe máy đổ ra đường.
Không hẹn mà gặp, ở dưới đường đã có sẵn từng toán anh em khác. Vậy là chỉ cần hòa vào dòng người, chạy về trung tâm thành phố, đánh trống, bấm còi, phất cờ, nhảy nhót, hô to "Việt Nam vô địch".
Chúng ta gọi đó là "Đi bão".
"Đi bão" là sự kiện đã diễn ra nhiều lần ở Việt Nam năm 2018.
"Đi bão" cũng như "chém gió", "thả thính", "phượt"...đã được định hình trong kho tàng từ điển Việt Nam thế kỷ 21, về một hoạt động của giới trẻ.
Từ đầu năm đến nay, từ giải AFC Cup, đến Asian Game, và bây giờ lại là Suzuki AFF Cup. Từ tháng 1 đến tháng 12, bóng đá Việt Nam gây điên đảo với thành tích Á quân Châu Á tại Thường Châu, "Tứ đại Châu Á" tại Java, và giờ là có mặt ở chung kết khu vực Đông Nam Á.
Phải nói rằng đây là lần đầu tiên người hâm mộ bóng đá Việt được hưởng đúng một năm dương lịch ăn mừng không ngừng nghỉ, ra đường không ngừng xe như thế này.
Tuy nhiên, nếu những lần "đi bão" ban đầu là hợp lý, ví dụ thắng Iraq ở tứ kết, thắng Qatar bán kết tại giải U23 Châu Á, hay thắng Syria để có mặt ở bán kết môn bóng đá nam Asiad (điều trong lịch sử Việt Nam từ khi hội nhập chưa từng làm được), thì giờ đây "đi bão" đã thành một thói quen của người trẻ. Thắng Malaysia ở vòng bảng cũng ra đường, thậm chí thắng một đối thủ như Campuchia, ta cũng ra đường nốt.
"Đi bão" vô tội vạ, lại còn gây ra bao nhiêu vấn đề về xã hội như xả rác, tai nạn giao thông, kẹt xe, tắc đường, và nhiều thanh niên trẻ lợi dụng chuyện này để đua xe trái phép. Đấy là lý do nhiều người đã lên tiếng gọi đây là "trào lưu xấu", thậm chí là "tệ nạn" cần ngăn chặn.
Đi bão không chỉ thể hiện tình yêu bóng đá của NHM Việt Nam, mà đó còn là tình yêu nước và thân thiện với nhau.
Sự hợp lý của việc phải lên tiếng về những tiêu cực mà "đi bão" mang lại là điều không thể phủ nhận, nhưng sẽ là sai nếu phủ nhận sạch trơn "đi bão".
Vì "đi bão" không chỉ là đam mê bóng đá thuần túy. Đó còn thể hiện niềm vui, niềm tự hào, tình đoàn kết dân tộc mà bóng đá mang lại.
Trên đường phố sau chiến thắng của tuyển Việt Nam, chúng ta vị tha hơn, cười nhiều hơn, và tay bắt mặt mừng với cả những người không quen.
Giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống, tiếng hô "Việt Nam vô địch" trong dòng người là một niềm vui đáng để tận hưởng.
Vậy thì, thay vì nhìn tiêu cực theo cách muốn "đi bão" biến mất. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng và tạo một "cẩm nang đi bão" văn minh, lịch sự, an toàn, vui vẻ. Ví dụ, đêm 23/1 hồi đầu năm, CSGT Quảng Bình đã dẫn đường cho hàng vạn người dân ăn mừng chiến thắng.
Như vậy, phải chăng ta sẽ có một lễ hội "Carnival" phong cách Việt Nam? Đó sẽ là một lễ hội đường phố được sinh ra từ bóng đá, từ tình yêu của người hâm mộ.
Lễ hội Carnival của Brazil từ lâu đã nổi tiếng thế giới và góp phần thu hút rất nhiều du khách.
Chúng ta có căn cứ cho việc này.
Nhiều tờ báo nước ngoài đã bày tỏ sự ấn tượng trước những "dòng thác đỏ" mà cổ động viên Việt Nam mang đến, bày tỏ ước mong được sống một lần trong lễ hội này. Rất nhiều tờ báo từ Âu sang Á đều đưa tin, chụp những hình ảnh về người Việt Nam xuống đường mừng chiến thắng đội tuyển.
Nhiều khách du lịch cũng đổ xô vào dòng người xuống đường. Họ chụp ảnh, quay phim như một món quà lưu niệm để kể lại khi trở về cố hương.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng xuống đường sau trận Việt Nam thắng Qatar. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư động viên tuyển Việt Nam trước chung kết AFF Cup đã viết câu sau: "Dù thi đấu ở nơi xa, hãy tin rằng tại quê nhà, không khí hào hùng của những biển cờ sôi động đang hướng về đội tuyển thân yêu của chúng ta."
Phải, đó là những căn cứ để "đi bão" thật sự xứng đáng được xây dựng thành một "Carnival bóng đá", một bản sắc của Việt Nam để thu hút du lịch, xây dựng hình ảnh một Việt Nam sôi động.
Hãy biến "đi bão" thành một lễ hội đậm chất Việt Nam, văn minh, an toàn.
Còn gì tuyệt vời hơn nếu "đi bão" giống như "lễ hội Carnival", khiến người nước ngoài phải kháo nhau đến thăm Việt Nam vào thời điểm có giải đấu?
Đó không chỉ là kích cầu du lịch (vì bóng đá là môn thể thao vua luôn được đưa tin mà), đấy còn là động lực để giúp bóng đá nước nhà đi lên. Khi tình yêu đội tuyển, sự chú ý của các cường quốc bóng đá cũng theo đó đổ dồn về quốc gia chúng ta.
Và một giá trị mềm sẽ được xây dựng từ đó. Nhắc lại, nếu chúng ta biết cách xây dựng "đi bão" một cách khoa học, văn minh, lịch sự, an toàn, và không vi phạm pháp luật.
"Đi bão" phải được xây dựng trên thế đứng của một tình yêu dân tộc, biết tự hào từ những điều nhỏ nhất. Đồng thời, "đi bão" cũng xứng đáng đứng trên những đánh giá bất công của những cảm xúc tiêu cực, sự than vãn, bỉ bôi về một hành động của đam mê. Mọi thứ tốt đẹp thường được đến với những người biết yêu, biết sống, biết tận hưởng niềm vui quanh mình.
Không tiêu diệt "đi bão", đừng quá cổ xúy "đi bão", mà hãy xây dựng "đi bão". Việt Nam ta sẽ có một "Carnival" cho riêng mình.