Cụ thể, xe phân khối lớn hơn 2.500 cc có lộ trình giảm thuế dần về 0% sau 9 năm, xe dưới 2.500 cc có lộ trình 10 năm, riêng lộ trình cho phụ tùng ôtô là 7 năm. "Các dòng xe hiện nay Việt Nam nhập khẩu từ châu Âu chủ yếu là xe sang. Với hiệp định chúng ta đã đàm phán và ký kết được, bên cạnh việc thuế nhập khẩu giảm, các chủ sở hữu xe nguồn gốc châu Âu như Audi, Mercedes… sẽ trả các chi phí bảo hành, bảo dưỡng thấp hơn trước đây.
Bên cạnh đó, hiệp định có cam kết quan trọng sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực, Việt Nam sẽ chấp nhận giấy chứng nhận chất lượng của EU, tức khi nhập vào Việt Nam, không cần qua bước chứng nhận nữa, từ đó tạo thuận lợi hơn nữa cho xe EU vào thị trường của chúng ta" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết thêm.
Hầu hết các dòng xe châu Âu có mặt tại Việt Nam đều là xe sang và đang chịu thuế rất cao Ảnh: NGUYỄN HẢI
Tuy nhiên, ông Khánh cũng nhìn nhận thực tế, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu vẫn quen với các thương hiệu bình dân như Hyundai, Kia Morning, Toyota… Các dòng xe này đang và sẽ tiếp tục tạo cạnh tranh lớn trên thị trường bởi mỗi dòng đều có lợi thế riêng. Do đó, theo ông Khánh, tác động từ việc giảm thuế nhập khẩu xe châu Âu sẽ không khiến thị trường có nhiều thay đổi.
Thực tế, xe nhập từ EU về Việt Nam đang phải chịu thuế 70%. Giá bán đến tay người tiêu dùng thường tăng 2-3 lần so với giá gốc do phải chịu thêm nhiều loại thuế, phí, lệ phí khác.
Ông Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), cho rằng với áp lực thu ngân sách lớn như hiện nay, nhiều khả năng sau khi giảm thuế nhập khẩu ôtô từ các thị trường có ưu đãi, nhà nước sẽ có các biện pháp tăng thu thuế, phí, lệ phí… trong nước để bù đắp thâm hụt. Mặt khác, Chính phủ đang có định hướng rất rõ ràng về việc ưu đãi, hỗ trợ hết sức cho liên doanh, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phát triển ngành công nghiệp ôtô.
"Như thế, khả năng xe nhập khẩu không chỉ từ châu Âu mà cả Mỹ, Nhật… đều sẽ gặp phải hàng rào hạn chế thâm nhập thị trường Việt Nam. Khi giảm thuế này nhưng tăng thuế kia thì kỳ vọng xe sang giá rẻ sẽ khó xảy ra, lượng giao dịch dòng xe này dự kiến vẫn thấp. Chưa kể, phải mất 7-10 năm nữa, thuế suất mới giảm về 0%; trong thời gian đó, chúng ta có thể kỳ vọng doanh nghiệp trong nước trưởng thành và đưa ra thị trường nhiều dòng xe để lựa chọn hơn" - ông Đào nhận định.
Tương tự, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), 11 quốc gia sẽ giảm thuế nhập khẩu về 0% cho các mặt hàng công nghiệp, kể cả ôtô. Theo đó, các dòng xe sang sẽ có cơ hội nhập về Việt Nam nhiều hơn.
Tuy nhiên, giới kinh doanh ôtô nhập khẩu cho rằng dù thuế nhập khẩu có giảm theo lộ trình từ các hiệp định trên cũng sẽ khó có được giá tốt như mong đợi. Ông Lê Hoàng Tùng - chủ salon ôtô tại quận Tân Bình, TP HCM - dẫn chứng từ ngày 1-1-2018, thuế nhập khẩu ôtô khu vực ASEAN còn 0% nhưng giá xe nhập về từ thị trường này vẫn không giảm bao nhiêu, thậm chí có một số mẫu xe còn bị đẩy giá cao hơn. Do đó, người tiêu dùng đừng vội "mơ" xe nhập giá rẻ từ châu Âu hay Mỹ, Nhật.
Ông Nguyễn Văn Vinh, tổng giám đốc một doanh nghiệp chuyên phân phối xe sang tại Việt Nam, nhận định thuế nhập khẩu giảm đương nhiên giá xe giảm theo nhưng sẽ không nhiều, mà chỉ khoảng 10%-15%. Còn theo lãnh đạo công ty phân phối xe Audi tại TP HCM, thuế nhập khẩu ôtô cho dù bằng 0% nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn cao thì giá xe nhập khẩu cũng không thể giảm nhiều.
Ông Nguyễn Văn Huyền, Giám đốc Infiniti Việt Nam, cho biết ôtô từ Nhật Bản hiện cũng chưa được nhập về Việt Nam vì vướng Nghị định 116 yêu cầu phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại nhưng chính phủ Nhật từ chối cấp giấy chứng nhận này nên bị nghẽn cho đến nay.