Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa?

Kim |

Nếu nhà bạn có dùng đũa và nuôi chó, bạn đang sở hữu trong nhà hai "người bạn" đã song hành cùng con người từ thuở hồng hoang.

Phần lớn người nước ngoài đến Việt Nam hay nhiều những quốc gia Châu Á khác thường sửng sốt trước hai thứ: họ coi ẩm thực Châu Á thuộc hàng cực phẩm, đồng thời nhận định cách người Châu Á gắp thức ăn bằng đũa là một thứ nghệ thuật cổ truyền ít nơi sánh được.

Từ thuở sống trên cành cây, chúng ta đã sở hữu một công cụ dùng trong ăn uống hữu hiệu, ấy là đôi bàn tay. Có thể coi đôi đũa đầu tiên của con người là hai ngón tay cầm đồ ăn đưa lên miệng.

Khi đồ ăn bắt đầu dồi dào hơn nhờ săn bắt, hái lượm và nông nghiệp, đích thị "phú quý sinh lễ nghĩa", con người bắt đầu phát minh ra thêm những thứ công cụ mới để phục vụ cho hoạt động ăn uống.

Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa? - Ảnh 1.

Theo khảo cổ học, những công cụ phục vụ ăn uống đầu tiên có đá tảng (mà ngày nay ta có thể coi là búa), được dùng để đập giập xương động vật lấy tủy; đá sắc nhọn - tiền thân của dao; một công cụ để múc, đơn cử như vỏ sò hay những mảnh đá có phần trũng, tiền thân của cái thìa. Đũa là công cụ sinh sau đẻ muộn, phức tạp hơn những "người" tiền nhiệm, và ban đầu không sinh ra để gắp thức ăn bỏ miệng.

Sử gia Tư Mã Thiên sống dưới thời nhà Hán (202 TCN - 220 SCN) viết rằng: đũa đã tồn tại từ trước thời nhà Thương (1766-1122 TCN). Phải đến thời hiện đại, khi các nhà khảo cổ khai quật di chỉ thời Đồ Đá tại Long Cù Trang và phát hiện ra đũa làm từ xương có niên đại từ 5.500 cho tới 7.000 năm, khẳng định của sử gia Tư Mã Thiên mới có cơ sở.

Đây là thời điểm nông nghiệp bùng nổ, không loại trừ khả năng cây lúa và đôi đũa song hành với nhau trong những buổi đầu của nền văn minh nhân loại.

Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa? - Ảnh 2.

Tại di tích khảo cổ Ân Khư, cố đô của triều đại nhà Thương và cũng là nơi lưu giữ bút tích tiếng Hoa cổ đại nhất từng được phát hiện, người ta tìm thấy một bộ đũa nay đã hoen gỉ, gồm sáu chiếc đũa bằng đồng dài 26 cm và có đường kính từ 1,1 tới 1,3 cm.

Chúng có niên đại khoảng 1.200 năm Trước Công nguyên và đặc biệt, đũa thời bấy giờ chưa dành cho việc ăn uống. Người Trung Hoa xưa dùng đũa để cời than, nấu nướng và bày thức ăn cỡ nhỏ lên bát đĩa. Đầu bếp thực hiện ba việc vừa nêu bằng một, hai hay ba đôi đũa là tùy thuộc vào địa điểm đặt căn bếp, tại quán trọ ven đường hay nơi kinh đô tráng lệ.

Khi đũa du nhập tới những nước lân cận Trung Quốc, như Việt Nam và Nhật Bản, chúng lại phân nhánh tiến hóa thành những "loài" mới. Người Nhật sáng chế ra đôi đũa Ryoribashi dành riêng cho việc chuẩn bị thực phẩm; chúng không được thiết kế để gắp thức ăn đưa lên miệng. Đũa nấu thường được làm bằng tre, đũa dùng trong chiên rán sẽ được bọc kim loại một đầu tránh làm đầu đũa đẫm dầu.

Ở Việt Nam, những căn bếp thơm mùi cơm mới và khét mùi rơm rạ không thể thiếu cây đũa cả, vừa có tác dụng đánh đều cơm đang nấu, xới cơm chín vào bát và đồng thời, là công cụ để "yêu cho roi cho vọt".

Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa? - Ảnh 3.

Khoảng năm 200 Trước Công nguyên, người Châu Á bắt đầu sử dụng đũa trong bữa ăn. Khi lương thực thực phẩm bắt đầu dồi dào, dân số Trung Hoa bùng nổ bất ngờ khiến lượng tài nguyên đột ngột lao dốc.

Đây là lúc người ta tính tới chuyện thắt lưng buộc bụng: những miếng thức ăn được xắt nhỏ ra để đỡ tốn nhiên liệu đun nấu. Đũa, thứ công cụ sinh ra để gắp những thứ bé xinh, trở thành cặp đôi hoàn hảo với một đĩa thịt được thái đều và một bát cơm trắng dẻo.

Miếng ăn nay đã vừa miệng, dao không còn là công cụ xuất hiện trên mặt bàn ăn nữa. Bản nhạc thăng hoa của đôi đũa (và việc con dao trải qua nốt trầm thất sủng trên mâm cơm) cũng tới từ lời dạy của Khổng Tử; bản thân là người ăn chay, Khổng Tử tin rằng những thứ đồ sắc nhọn tựa dao sẽ khiến người dùng bữa không thoải mái, khi họ liên tục bị nhắc nhở bởi cảnh chém giết, cả trên chiến trường và trong lò mổ. Đội ơn vị triết gia lỗi lạc, đũa ngày một nổi tiếng khắp Đông Á, đồng thời được mài tròn một đầu tạo cảm giác an toàn, ấm cúng trong bữa ăn.

Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa? - Ảnh 4.

Các học giả thời hiện đại nhận thấy ba trường phái, ba phong cách thưởng thức ẩm thực của nhân loại: có nơi sử dụng tay không để dùng bữa, có nền văn hóa chuộng dao dĩa, và nhóm những nơi đầu tiên sở hữu văn hóa dùng đũa là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. Những khu vực này tạo thành một khối cầu lớn bao lấy cái văn hóa độc nhất vô nhị.

Khi đũa lan tới những nước khác, người dân mỗi vùng lại có cách ứng dụng thứ công nghệ mới khác nhau. Tại Singapore và Malaysia, người gốc Hoa sử dụng đũa với mọi loại thức ăn, trong khi đó người Ấn và Malaysia bản địa chỉ dùng đũa khi ăn mì. Quanh khu vực Nam Á, người ta vẫn dùng thìa và dĩa là chủ yếu.

Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa? - Ảnh 5.
Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa? - Ảnh 6.

Lễ nghĩa sinh ra từ phú quý không chỉ dừng lại ở việc đũa xuất hiện. Trên mâm cơm, những người đầu tiên dùng đũa đặt ra những tục lệ vẫn được lưu giữ tới giờ. Và mỗi khi đũa di cư tới nơi ở mới, những người dân bản địa lại làm giàu thêm thứ văn hóa độc đáo xuất thân từ Châu Á.

Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa? - Ảnh 7.

Động tác cầm bát lên và cơm đã được những thế hệ người dùng đũa đầu tiên tập nhuần nhuyễn từ tấm bé, chỉ trừ đất nước Hàn Quốc, nơi coi việc đưa bát thức ăn lên gần miệng là thô lỗ. Kỳ lạ thay, người Nhật cho rằng chỉ có con vật mới cúi đầu xuống bát để ăn, trong khi người Hàn lại nhận định hành động cầm bát lên ăn chỉ có ở những kẻ nghèo hèn.

Dần dần người dùng đũa tự dạy mình kỹ năng sử dụng đũa tương tự thìa: dùng hai đầu đũa để lấy lên từng cụm cơm nóng hổi; nhờ độ dính của những hạt gạo đã chín dẻo, ta hoàn toàn có thể xúc cơm bằng đũa.

Trong bữa ăn, con cháu trong nhà vẫn thường gắp cho người lớn những miếng ngon nhất trong đĩa nhằm tỏ lòng thành kính. Ở một số nơi, người gắp sẽ quay ngược đầu đũa nhằm giữ cho miếng ngon được thanh khiết khi đặt vào bát người nhận. Lễ nghĩa còn yêu cầu một người không dùng đũa để bới thức ăn trên đĩa, dù cho đó là nỗ lực nhường miếng ngon cho người khác.

Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa? - Ảnh 8.
Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa? - Ảnh 9.

Hiển nhiên, với lợi thế sân nhà cũng như tư cách những nhà phát minh ra đũa, người Châu Á chúng ta sử dụng đũa khéo léo đến thanh thoát. Nhưng với những người đầu tiên dùng đũa, thảm cảnh mâm cao cỗ đầy bày trước mặt nhưng không ăn nổi hiện hữu rõ ràng lắm.

Họ cần phải nhờ cậy tới "lòng thành" của những người cùng mâm thì mới xong bữa, đồng thời chịu khó luyện tập kỹ năng đặc biệt chỉ có ở Châu Á để không ngượng ngùng trước tập quán lạ lùng.

Ở những nền văn hóa dùng đũa, con trẻ được dạy kỹ năng này từ nhỏ, đôi khi khả năng dùng đũa của trẻ lại được dùng làm thước đo nền giáo dục quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, vẫn có những trẻ tự cầm đũa theo cách mà em thấy thân thuộc nhất.

Người lớn cũng vậy, cũng sẽ học cách thức này qua bạn bè, người thân hay những video hướng dẫn trên mạng. Và không khác gì con trẻ, nhiều người lớn cũng sẽ "sáng chế" ra cách cầm đũa của riêng mình.

Thời đại mới, con người tạo tác nên những sáng kiến mới, từ những thứ to lớn như động cơ bẻ cong không thời gian cho tới những thứ nhỏ bé như cái kẹp giấy. Khi đôi đũa ngày một trở nên thịnh hành và ngày càng nhiều người muốn học cách dùng thứ dụng cụ thanh nhã này, các nhà thiết kế tìm cách tạo nên những học cụ hỗ trợ quá trình học dùng đũa.

Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa? - Ảnh 10.

Còn với người Châu Á, thì sau cả mấy nghìn năm tu luyện, nghệ thuật dùng đũa có lẽ đã khắc cả vào trong gen của chúng ta rồi; hình ảnh chuỗi DNA chính là hai đôi đũa xoắn vào nhau đấy, với từng chiếc đũa được xếp ngay ngắn ở giữa.

Họa chăng, trong thời buổi hiện đại, khi các dịch vụ "ship" thức ăn đều đưa bạn những đôi đũa dùng một lần có một đầu dính liền, người Châu Á chúng ta mới lần đầu tiên bối rối trước công cụ nhiều ngàn năm tuổi: không biết tách đũa sao cho cân.

Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa? - Ảnh 12.

Trong hành trình dài từ khi con người thuần hóa được lửa cho tới kỷ nguyên hiện đại của công nghệ, không có mấy thứ đồng hành cùng con người lâu đến vậy.

Nhiều thứ phát minh đã đi vào dĩ vãng, như phương pháp đánh lửa cổ đại bằng hai hòn đá, gươm giáo, hay như động cơ hơi nước hay bàn phím vật lý cho thiết bị di động; nhưng vẫn có những thứ lẽo đẽo theo con người từ thuở sơ khai. Tôi đang không chỉ nói tới chó , mà còn có đôi đũa song hành với ta từ buổi biết nấu nướng tới giờ.

Dùng đũa mấy chục năm nhưng bạn đã biết lai lịch của nó như thế nào chưa? - Ảnh 13.

Đũa có chặng đường tiến hóa của riêng mình. Ngày đầu, nó chỉ là công cụ trợ giúp nấu ăn: còn gì đơn giản và hiệu quả hơn hai cái que có thể chọc vào nồi súp lớn? Thời gian thay đổi, đôi đũa nhỏ dần lại và trở nên vừa tay, biến thành thứ công cụ tiện lợi, từ việc gắp lửa bỏ tay người tới gắp thịt vào bát người thương.

Những cộng đồng ngoài Châu Á đã bắt đầu thấy sự thanh thoát nơi đôi đũa, đã bắt đầu học cách sử dụng chúng để dùng bữa, từ những món ăn gốc Á cho tới những món "sinh ra cho đôi đũa nhưng lại chẳng ai biết tới đũa".

Người Ý mà sớm biết tới sự tồn tại của đôi đũa, chắc hẳn họ đã không dùng dĩa để ăn mì spaghetti.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại