Theo hãng tin PTI, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại tại Hạ viện, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell nói: "Trên đất liền, để giành lấy lãnh thổ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dường như khiêu khích để xảy ra cuộc đụng độ dữ dội nhất giữa lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ kể từ cuộc chiến năm 1962".
Ông McConnell cũng xếp Trung Quốc đứng đầu danh sách quốc gia đe dọa lợi ích của Mỹ và các đồng minh: "Không cần phải nói, phần còn lại của thế giới đã chứng kiến sự lo ngại về cuộc đụng độ giữa hai quốc gia hạt nhân. Chúng tôi khuyến khích xuống thang căng thẳng và hy vọng hòa bình".
Thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ không quên nhắc tới việc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch Covid-19 để kiểm soát Hồng Kông nhiều hơn, đồng thời gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Trên biển, ông McConnell cho biết Trung Quốc tăng cường đe dọa Nhật Bản gần quần đảo Senkaku (Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư). Còn trên bầu trời, máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận Đài Loan 4 lần riêng biệt trong vài ngày.
Một nghị sĩ Mỹ khác là Jim Banks hoan nghênh quyết định cấm hai tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc tham gia mạng lưới viễn thông của Ấn Độ.
Ảnh các binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lực lượng Trung Quốc. Ảnh: AP
Trái với bình luận của ông McConnell, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Taylor Fravel, lại nhận định Trung Quốc cố gắng gây áp lực với Ấn Độ nhưng "không muốn xảy ra đụng độ dữ dội giữa quân đội hai nước". Bởi xét về góc độ chiến lược, điều đó sẽ đẩy Ấn Độ xích lại gần Mỹ.
Hôm 19-6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến gặp các nhà lãnh đạo đối lập hàng đầu nhằm nỗ lực giảm căng thẳng với Trung Quốc sau cuộc đụng độ biên giới chết chóc. Cách đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã nói chuyện với các lãnh đạo đảng để đạt được sự đồng thuận trong việc giải quyết tình hình.