Dùng điện thoại "hai tay hai súng": Làm sao để phối hợp nhịp nhàng?

Tấn Minh |

Sẽ có một lúc nào đó, bạn bắt gặp một người sở hữu hai chiếc điện thoại một lúc. Có thể họ nói chuyện điện thoại trên một máy và lướt web trên máy kia. Có thể họ cầm một máy trên tay, còn máy kia cho vào túi quần.

Tại sao bạn cần dùng hai tay hai súng?

Dùng điện thoại hai tay hai súng: Làm sao để phối hợp nhịp nhàng? - Ảnh 1.

Hai tay hai súng, tức là bạn sẽ phải sạc pin gấp đôi thông thường, phải cần thêm túi để đựng máy, và khả năng làm mất thiết bị cũng tăng gấp đôi.

Nếu bạn không phải là một chuyên gia review sản phẩm và phải mang theo nhiều thiết bị để kiểm nghiệm, thì vẫn có một số lý do chính đáng để dùng hai tay hai súng.

Đầu tiên là phục vụ công việc: sẽ dễ dàng hơn để theo dõi các cuộc gọi, tin nhắn liên quan công việc, đồng thời giúp bạn tránh được những rắc rối nhất định khi phải giao lưu số điện thoại cá nhân với người khác.

Đối với một số công việc cần lưu trữ và xử lý các thông tin nhạy cảm, một số công ty thậm chí còn phát cho nhân viên của họ một chiếc điện thoại mới và buộc họ phải sử dụng chúng khi làm việc.

Lý do thứ hai để sử dụng hai điện thoại cùng lúc là đảm bảo luôn được kết nói. Có thể nhà mạng này có một số tính năng mà nhà mạng kia không có hoặc có nhưng chất lượng thấp hơn.

Dù điều này đồng nghĩa với việc bạn cũng sẽ tốn tiền gấp đôi, nhưng bù lại công việc của bạn sẽ suôn sẻ hơn nhiều.

Ngoài ra, một lý do khác đó là... do bạn thích vậy thôi. Có thể bạn muốn sử dụng Android và iOS song song, hay một chiếc điện thoại có thời lượng pin xuất sắc, trong khi chiếc kia lại chụp ảnh tuyệt đẹp.

Có thể bạn thích một chiếc điện thoại màn hình lớn để xem phim, và một chiếc nhỏ hơn để làm những việc đơn giản hơn như chat chit chẳng hạn.

Giữ cả hai luôn kết nối

Dùng điện thoại hai tay hai súng: Làm sao để phối hợp nhịp nhàng? - Ảnh 2.

Cho dù là lý do gì, thì một khi đã sử dụng hai tay hai súng, bạn cần tìm cách để có thể sử dụng cả hai một cách hợp lý. Nếu chỉ sử dụng được một máy một lúc thì mang theo hai máy để làm gì?

Bạn nên lắp mỗi máy một SIM, có thể của cùng một nhà mạng, hoặc của hai nhà mạng khác nhau. Nếu sử dụng của cùng một nhà mạng, lợi thế của bạn là có thể kiểm soát tốt hai thiết bị của mình về mặt phí dịch vụ, tiện lợi hơn trong thanh toán...

Hoặc bạn có thể đăng ký gói cước Family thay vì sử dụng hai gói cước riêng biệt, giúp giảm chi phí hơn.

Tuy nhiên, ở nước ta, phần lớn người dùng hai điện thoại lại có xu hướng sử dụng hai nhà mạng khác nhau: một nhà mạng để nghe gọi, và nhà mạng còn lại - là nhà mạng có mức phí 3G/4G rẻ hơn - dùng để phát wi-fi hotspot những khi cần thiết.

Điểm bất lợi của việc này là chiếc điện thoại đóng vai trò phát wi-fi thường hao pin hơn hẳn và khả năng nghe gọi khá hạn chế.

Về số điện thoại thì sao?

Một số điện thoại không thể sử dụng cùng lúc trên hai máy được. Nhưng có một số cách giúp bạn có thể nhận được cuộc gọi của máy thứ nhất trên máy thứ hai và ngược lại:

- Đầu tiên là sử dụng tính năng Call Forwarding của nhà mạng. Cách này khá tốn kém, nhưng hiệu quả và tính tiện lợi thì khỏi bàn cãi.

Bạn có thể thiết lập để khi nhận được cuộc gọi trên máy thứ nhất, sau bao lâu nó sẽ được chuyển sang máy thứ hai, có thể là sau 5 giây, 10 giây, ngay lập tức, hoặc chỉ khi máy thứ nhất nằm ngoài vùng phủ sóng.

- Cách thứ hai có thể áp dụng với iPhone, với điều kiện cả hai máy phải đang cùng được kết nối wi-fi. Đó là tận dụng tính năng Calls on Other Devices được tích hợp trong mục Settings > Cellular.

Cách này không tốn thêm khoản phí nào, và có thể chuyển cả cuộc gọi lên Apple Watch hay MacBook cùng sử dụng một tài khoản iCloud như iPhone, nhưng lại chỉ sử dụng được khi các thiết bị cùng kết nối đến một mạng wi-fi chung.

Do đó chỉ hiệu quả nếu bạn đang ở trong công ty, ở nhà, hoặc những nơi có wi-fi mà thôi.

Quản lý thông báo

Khi bạn dùng hai máy một lúc, một thông báo đến trên máy này cũng sẽ xuất hiện trên máy còn lại nếu chúng cùng được cài đặt các ứng dụng như nhau. Nghe thì có vẻ tiện lợi, nhưng lại cực kỳ khó chịu.

Lúc này, bạn cần nghiên cứu một chút phần Notifications trong Settings của máy để tắt hoàn toàn thông báo ứng dụng, hoặc chỉ bật thông báo của một số ứng dụng nhất định.

Ví dụ, nếu bạn muốn nhắn tin trên máy thứ nhất, bạn có thể tắt thông báo tin nhắn và các ứng dụng nhắn tin trên máy thứ hai đi. Nếu bạn chỉ xem email trên máy thứ hai, hãy tắt thông báo email trên máy thứ nhất đi.

Việc này sẽ mất đôi chút thời gian, nhưng khi bạn đã tìm ra được nên bật cái nào, tắt cái nào, trải nghiệm sử dụng hai tay hai súng sẽ mượt mà và tiện dụng hơn rất nhiều.

Về phần bạn, bạn có sử dụng hai điện thoại hay không? Hay bạn thích sử dụng một chiếc điện thoại 2 SIM hơn?

Tham khảo: AndroidCentral

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại