Đừng để lãi vay 700% ngoài vòng pháp luật

Thuỳ Linh |

Sự bùng nổ của hoạt động cho vay ngang hàng đặt ra yêu cầu cấp bách về giám sát và quản lý.

Mô hình cho vay ngang hàng trực tuyến đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam, thu hút hàng triệu người vay. Tuy nhiên, việc huy động , cho vay quá dễ trong khi lại chưa có hành lang pháp lý rõ ràng gây rủi ro rất lớn cho người đi vay lẫn người cho vay.

Đó là cảnh báo của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Xuất hiện nhiều biến tướng

. Phóng viên: Thưa ông, cho vay ngang hàng trực tuyến phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây. Vậy thực chất vay ngang hàng là gì?

Đừng để lãi vay 700% ngoài vòng pháp luật - Ảnh 1.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Cho vay ngang hàng có tên quốc tế là peer to peer lending (P2P). Đây là hình thức mà các công ty, tổ chức thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ, cá nhân khác vay với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng.

Nghĩa là qua nền tảng này, người có tiền và cần tiền sẽ tìm đến nhau và giao dịch mà không qua ngân hàng.

. Mô hình vay ngang hàng khác gì so với vay kiểu truyền thống tại các công ty tài chính, hay vay tại ngân hàng?

+ Thực chất những công ty cho vay ngang hàng là những đơn vị làm trung gian cung cấp công nghệ để kết nối người có tiền cho vay và người vay.

Bên cho vay và bên vay sẽ tự thỏa thuận lãi suất, DN đóng vai trò trung gian, thu phí dịch vụ.

Tuy vậy, trên thực tế mô hình này hiện xuất hiện nhiều biến tướng. Cụ thể, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ có các ngân hàng hoặc công ty tài chính được sự cho phép của cơ quan điều hành mới được phép huy động vốn từ người có tiền và cho vay người có nhu cầu. Thế nhưng những công ty hoạt động cho vay ngang hàng dù chưa được NHNN cấp phép song vẫn hoạt động như một định chế tài chính. Nghĩa là họ cũng huy động vốn rồi cho vay như ngân hàng và công ty tài chính.

Điều này không chỉ vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng mà còn gây rủi ro rất lớn cho người đi vay lẫn người cho vay. Ví dụ, nếu trong trường hợp những công ty này phá sản hoặc xuất hiện các công ty cho vay ngang hàng lừa đảo, gom tiền của nhà đầu tư rồi biến mất... thì toàn bộ tài sản của người cho vay khó có cơ hội lấy lại.

. Vì sao hình thức cho vay ngang hàng lại bùng nổ, ngày càng nhiều người tham gia như vậy? Ví dụ có công ty tuyên bố có hơn 2 triệu người đăng ký vay, số tiền mặt giải ngân lên đến gần 44.000 tỉ đồng…

+ Một trong những ưu điểm của loại hình vay này là cho vay số tiền từ rất nhỏ vài ba triệu đồng đến cả trăm triệu đồng, đáp ứng được nhu cầu cần tiền gấp của nhiều người. Hơn nữa, thời gian giải quyết cho vay của loại hình này lại cực nhanh nên đáp ứng được nhu cầu cần tiền ngay lập tức của nhiều người. Thông thường nếu khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin thì chỉ vài tiếng sau là đã có tiền giải ngân ngay vào tài khoản. Trong khi thời gian phê duyệt khoản vay trực tuyến tại các ngân hàng có nhanh cũng mất 2-3 ngày.

Đừng để lãi vay 700% ngoài vòng pháp luật - Ảnh 2.

Mô hình cho vay ngang hàng trực tuyến đang thu hút hàng triệu người vay. Ảnh: QUANG DUY

Lãi suất khủng

. Dù cho vay siêu nhanh, thủ tục quá dễ dàng nhưng lãi suất cho vay ngang hàng rất cao, thưa ông?

+ Mặt tiêu cực dễ thấy nhất đối với đi vay đó là người vay chịu mức lãi suất “cắt cổ”, lên tới vài ba trăm phần trăm một năm. Thậm chí ngay cả khi mức lãi suất công bố tại các trang web cho vay ngang hàng trực tuyến có thể thấp nhưng khi tính tổng các chi phí quản lý tài khoản, phí phạt thanh toán trễ hạn… thì mức lãi suất thực tế sẽ rất cao, có thể lên đến 720%/năm.

Mức lãi cao như vậy là do công ty cho vay tính lãi bằng lãi suất cộng với phí dịch vụ hoặc thu phí rất cao. Trong khi đó, cũng là hình thức vay trực tuyến nhưng vay tại các ngân hàng thương mại thì lãi suất chỉ khoảng 25%-30%/năm.

. Không chỉ lãi suất cao mà hoạt động của các công ty theo mô hình vay ngang hàng đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro với tất cả bên tham gia, thưa ông?

+ Đúng vậy. Khi khoản vay lớn, lãi cộng phí cao, khách hàng dễ vỡ nợ và có nguy cơ đối mặt với kiểu đòi nợ, trấn áp, đe dọa... xã hội đen là rất lớn.

Tương tự, với người cho vay cũng sẽ không nhận được sự bảo vệ của pháp luật. Bởi hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý cho mô hình này nên khi tranh chấp xảy ra, bị xù nợ, công ty phá sản… Tóm lại, khi có rủi ro, đổ bể là cả người đi vay và người cho vay đều thiệt hại.

Cần vào cuộc ngay

. Như ông đã phân tích, mô hình vay ngang hàng có cả ưu điểm lẫn rủi ro. Vậy theo ông, cơ quan chức năng cần làm gì?

+ Tôi cho rằng các cơ quan có trách nhiệm cần cấp bách có các quy định và chính sách để quản lý loại hình cho vay này. Trước hết NHNN nên vào cuộc ngay để đưa ra các quy định của pháp luật cụ thể liên quan đến hợp đồng, lãi, phí, cách thức thu nợ, trả nợ... Qua đó để bảo vệ quyền lợi cho người dân ở cả vai trò là người góp vốn và người đi vay; tránh để xảy ra những biến tướng khó lường, gây rối loạn xã hội.

Đặc biệt, nếu mô hình cho vay trực tuyến nói chung và vay ngang hàng nói riêng không được quản lý chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất béo bở để “nuôi” lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp.

. Xin cám ơn ông.

Chưa cấp phép vay ngang hàng

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Hiện NHNN chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng. Trên địa bàn TP cũng chưa có bất cứ tổ chức, DN nào được cấp phép đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này. Với hoạt động về huy động vốn và cho vay là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép của NHNN. Một khi đã không được NHNN cấp phép thì cho dù DN cho vay với lãi suất 1%/năm cũng là vi phạm.

"Khi cơ quan thanh tra giám sát của NHNN kiểm tra mà thấy vi phạm quy định của NHNN thì sẽ bị xử lý. Tùy theo mức độ mà đơn vị vi phạm có thể bị xử phạt hành chính" - ông Minh nhấn mạnh.

Trao đổi với VnExpress, một nguồn tin từ NHNN cũng khẳng định đến nay chưa cấp phép cho bất cứ một nền tảng vay ngang hàng nào tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về cho vay ngang hàng (P2P) và khuôn khổ pháp lý thử nghiệm trong lĩnh vực Fintech" vừa diễn ra, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: Hiện nay, các đơn vị chuyên môn của NHNH đang nỗ lực nghiên cứu các mô hình cho vay ngang hàng trên thế giới, kinh nghiệm quản lý, giám sát hoạt động này của các nước.

Mục đích cuối cùng là xây dựng một khuôn khổ pháp lý để phát huy những mặt tích cực của sản phẩm dịch vụ này, đồng thời phòng ngừa và giảm thiểu các rủi ro và tác động tiêu cực đến các chủ thể tham gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại