Nhiều người trong chúng ta thường có thói quen dùng điện thoại trước khi đi ngủ. Một số còn để điện thoại ngay trên giường ngủ, bên cạnh gối của mình.
Tuy nhiên, các nghiên chỉ ra rằng, người dùng không nên để điện thoại ở đầu giường vì những mối nguy tiềm tàng, ảnh hưởng đến sức khỏe lúc ngủ.
Tác hại khi để điện thoại di động bên cạnh khi ngủ
Ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ
Nếu để điện thoại bên cạnh khi đang ngủ, một vài tình huống xảy ra có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ của bạn. Thông báo từ các ứng dụng mạng xã hội, tin nhắn có thể làm bạn giật mình.
Việc gián đoạn giấc ngủ khiến cơ thể khó chịu, bực bội và thậm chí khó ngủ lại được. Với những ai có thói quen xem điện thoại khi thức giấc, việc chìm vào giấc ngủ lại càng khó khăn hơn.
Một nghiên cứu về hành vi giấc ngủ của Đại học Bergen (Na Uy) cho thấy, ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại cũng như các thiết bị điện tử như tablet, laptop,... có thể ảnh hưởng đến khả năng chìm vào giấc ngủ, gây ra sự chậm trễ trong nhịp sinh học.
Theo các chuyên gia, ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng sẽ ngăn chặn việc sản xuất hormone Melatonin - một loại hormone giúp bạn ngủ ngon. Điều này khiến bạn không ngủ đúng giờ và đủ giấc.
Tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, rối loạn cảm xúc
Không chỉ khiến người dùng rối loạn giấc ngủ và nhịp sinh học, ánh sáng xanh từ điện thoại còn gia tăng nguy cơ trầm cảm khi bạn tiếp xúc thường xuyên.
Ánh sáng xanh từ điện thoại gia tăng nguy cơ trầm cảm khi bạn tiếp xúc thường xuyên. (Ảnh minh hoạ)
Theo như kết quả nghiên cứu của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, nồng độ Melatonin thấp sẽ dễ làm gia tăng chứng trầm cảm, rối loạn cảm xúc.
Điều này xuất phát từ nguyên nhân mất ngủ triền miên, cơ thể và não bộ không được nghỉ ngơi đầy đủ. Bạn luôn trong trạng thái hoạt động cao, áp lực lớn, căng thẳng kéo dài.
Bên cạnh đó, việc thức khuya còn khiến đường huyết của bạn tăng cao, tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp,... Điều này đã được nghiên cứu và chứng minh trên một nhóm người do Đại học Harvard thực hiện.
Đau đầu
Một số nghiên cứu cho thấy quá nhiều bức xạ của điện thoại ở gần đầu có thể khiến một số người bị đau đầu, đau nửa đầu, ù tai, mệt mỏi và các vấn đề sức khỏe khác.
Các tổ chức về giấc ngủ khuyến nghị mọi người không nên xem các thiết bị điện tử khoảng 1-2 giờ trước khi lên giường. (Ảnh minh hoạ)
Chẳng hạn, các nghiên cứu của Đại học California (Mỹ), Đại học Korea (Hàn Quốc)... phát hiện có mối liên hệ đáng kể giữa việc sử dụng điện thoại di động và chứng đau đầu ở trẻ em và người lớn.
Tuy vẫn cần những nghiên cứu chuyên sâu để khẳng định tác động của điện thoại đến tình trạng đau đầu. Tốt nhất mọi người không nên đặt điện thoại dưới gối, để gần đầu, gần giường khi ngủ.
Dễ gây cháy nổ
Theo thông kê của sở cách sát New York, có rất nhiều cuộc hỏa hoạn là do điện thoại bị đặt dưới gối khi ngủ.
Khi bạn đặt điện thoại dưới gối hoặc sạc pin điện thoại qua đêm, điện thoại sẽ tỏa nhiệt. Lớp vỏ gối và ga giường ngăn chặn điện thoại nhiệt tỏa ra, từ đó làm tăng nguy cơ phát nổ. Tốt hơn hết, bạn nên sạc điện thoại ở xa giường ngủ.
Nên đặt điện thoại ở đâu khi ngủ để không gây ảnh hưởng sức khỏe?
Theo bác sĩ Karen Smith tại Sở Y tế California, Mỹ, để hạn chế những nguy hại từ điện thoại di động lúc ngủ, bạn nên để điện thoại cách tối thiểu ở khoảng cách một sải tay.
Còn theo Giáo sư Wiseman - Đại học Hertfordshire khuyến cáo, bạn nên để điện thoại ở xa nơi ngủ và không nên sử dụng chúng trong 2 giờ trước khi ngủ.
Tham khảo CBS News, Very well Health