Đừng dạy trẻ thành thần đồng, hãy dạy chúng thành người tốt

Bảo Nam |

Người Việt luôn có xu hướng kỳ vọng con họ phải trở thành thần đồng, những lại quên dạy chúng trước tiên phải trở thành người tốt.

Hàng ngày tôi chứng kiến vô số những câu chuyện đầy mỉa mai về những kỳ vọng mà bậc làm cha mẹ đặt lên con của họ đi ngược lại hoàn toàn với những gì họ dạy con mình.

Trong siêu thị, một bà mẹ vì không muốn xếp hàng tính tiền đã xui cậu con trai học lớp 3 "cầm giỏ đồ chen lên tính tiền, người ta thấy trẻ con sẽ tự nhường". Bà gấp gáp như vậy vì cậu bé sắp đến giờ học thêm tiếng Anh.

Trên phố, một ông bố đèo con hết vượt đèn đỏ đến đi ngược chiều để đứa bé kịp giờ vào lớp.

Tại một khu chung cư cao cấp, một ông bố dùng những lời lẽ tục tĩu nhất để chửi mắng người phụ nữ gánh hàng rong lỡ quệt gánh hàng vào cửa xe của ông. Con ông cũng đang có mặt ở đó.

Trong một quán ăn, cô phục vụ bị một bà mẹ tát đỏ mặt, chửi xối xả vì lỡ tay làm rơi tương ớt vào chiếc áo đồng phục của con trai cô. Ngày mai nó phải mặc chiếc áo đó đi khai giảng trường quốc tế.

Đừng dạy trẻ thành thần đồng, hãy dạy chúng thành người tốt - Ảnh 1.

Vội cũng vì tương lai con em chúng ta

Không hiểu may mắn hay đen đủi, tôi được chứng kiến tất cả những câu chuyện trên. Nó thật sự quá mỉa mai.

Sự khôn lỏi của bà mẹ trong siêu thị, thái độ coi thường pháp luật của ông bố vượt đèn đỏ… là những tấm gương rất xấu cho con trẻ noi theo. Điều mỉa mai là họ thực hiện những hành động xấu xí đó vì muốn con mình có thêm cơ hội tiếp xúc với tri thức trên học đường.

Logic nào khiến họ nghĩ rằng một học sinh tiểu học được 10 điểm toán, nhưng không biết dừng đèn đỏ thì đáng tự hào hơn một học sinh có thể không quá xuất chúng trên giảng đường, nhưng lại học được văn minh của nhân loại?

Ở Nhật Bản, đứa trẻ sẽ không phải trải qua bất kỳ cuộc kiểm tra nào cho đến khi nó bước vào lớp 4. Người Nhật quan niệm 3 năm đầu đi học là thời gian đứa trẻ học cách làm người tốt trước khi làm người tài.

Ở Đức, người ta không áp dụng cơ chế bầu ra lớp trưởng ở cấp độ tiểu học. Bởi đây là thời điểm đứa trẻ hình thành nhân cách và nếu dạy cho chúng về sức mạnh quyền lực dưới cái mác lớp trường, chúng sẽ nó tư duy tranh đoạt nó từ khi còn nhỏ.

Trong khi đó ở xứ ta, các ông bố bà mẹ cảm thấy đầy tự hào khi con mình được làm tổ trưởng, lớp trưởng, dù chỉ mới học lớp 1 hoặc 2 – thời điểm đứa trẻ chỉ nên "học ăn, học nói, học gói, học mở" mà thôi.

Người Việt luôn tự hào khi con cái của họ có thể làm được những việc vượt quá lứa tuổi. Ví dụ trẻ lớp 1 làm được toán lớp 3, đứa trẻ ở cấp tiểu học nhưng ăn nói, cư xử như "cụ non" trước mặt người lớn.

Đừng dạy trẻ thành thần đồng, hãy dạy chúng thành người tốt - Ảnh 2.

"Hành trang" quá tải trên còn đường trở thành thần đồng của những đứa trẻ Việt.

Họ cho rằng đó là biểu hiện của thần đồng. Trong thời buổi mà đa phần trong số chúng ta đều bị đem ra so sánh với "con nhà người ta", thì chỉ cần một biểu hiện xuất chúng đều lập tức được đi khoe khắp thiên hạ.

Chúng ta tự hào vì con mình làm được những bài toán khó, viết ra những áng văn hay, nhưng lại dạy chúng không xếp hàng ở siêu thị, dạy chúng vượt đèn đỏ, bon chen khi đường tắc, dạy chúng cách thể hiện sự hống hách với người lao động chân tay.

Chúng ta vì tự hào về con của mình mà mang chúng tới những bữa ăn nhậu để khoe khoang với bạn bè mà không hề để ý, những bữa nhậu thường là nơi trẻ con dễ tiếp thu những văn hóa, từ ngữ lệch lạc nhất.

Chúng ta vì bao bọc con mình mà nhốt chúng ở nhà với chiếc điện thoại, ipad, thay vì cho chúng được vận động, học hỏi những thực tế đang diễn ra ngoài xã hội.

Cá nhân tôi nghĩ rằng xã hội ta cần cả 2: Người văn minh và thần đồng. Nhưng trước khi trở thành thứ khó như thần đồng, rõ ràng trở thành người tốt, văn minh dễ hơn rất nhiều. Hãy dạy con bạn trở thành người văn minh trước đã.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại