Công viên Quốc gia Gỗ đỏ (Redwood) ở bang California đưa ra quy định trên vào tuần trước, chính thức cấm du khách đến thăm Hyperion – cây gỗ đỏ ven biển (sequoia sempervirens) được tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới chứng nhận là cây cao nhất thế giới còn sống.
Hyperion nằm sâu trong công viên và không có đường mòn dẫn đến cái cây này. Sau khi hai nhà tự nhiên học tìm thấy Hyperion vào năm 2006, nhiều người thích phiêu lưu, cảm giác mạnh đã vượt rừng đến với cái cây cao nhất thế giới này. Vì thế, cây đối mặt tình trạng suy thoái môi trường càng lúc càng nghiêm trọng.
Thân cây hồng sam Hyperion thân có đường kính 4,84 mét. Ảnh: Shutterstock.
“Hyperion nằm xa đường mòn xuyên qua thảm thực vật rậm rạp. Vì thế, để đến được cái cây này, người ta phải phát quang bụi rậm. Bất chấp hành trình khó khăn, người ta đến với Hyperion càng lúc càng đông vì cái cây này càng lúc càng được biết đến rộng rãi nhờ các blogger, người viết về du lịch và trang web về loài cây xa xôi này. Điều đó đã dẫn đến sự tàn phá của môi trường sống xung quanh Hyperion”, Công viên Quốc gia Gỗ đỏ viết trên website của mình.
“Là một du khách, bạn phải quyết định xem bạn sẽ tham gia bảo tồn cảnh quan độc đáo này hay sẽ tham gia phá hủy nó?”, ông Leonel Arguello, giám đốc tài nguyên thiên nhiên của Công viên, nói với trang tin San Francisco Gate.
Ông Arguello nói thêm rằng, trong khu vực có cây Hyperion, sóng điện thoại di động yếu, dịch vụ định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) chập chờn nên rất khó tìm kiếm, cứu hộ người lạc đường, gặp nạn trong khu vực này.
Cây hồng sam Hyperion cao 115,92 mét. Ảnh: National Geographic. |
Biện pháp bảo vệ khác lạ
Ngoài xói mòn và hư hại gây ra ở gốc cây, có những vấn đề thứ cấp nảy sinh khi dòng người tìm đến Hyperion.
Cái tên Hyperion có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp. Hyperion là một trong những vị thần khổng lồ (Titan), là cha của thần mặt trời Helios và nữ thần mặt trăng Selene. Loài cây gỗ đỏ này còn được gọi là hồng sam.
Ông Arguello cho biết: “Có nhiều rác, và người ta còn tạo ra nhiều lối mòn bên cạnh cây để sử dụng phòng vệ sinh. Họ để lại chất thải và giấy vệ sinh đã qua sử dụng. Đó không phải là điều tốt”.
Năm 2021, các quan chức tại Công viên Quốc gia Sequoia & Kings Canyon đã thực hiện các biện pháp khắc nghiệt để bảo vệ một số cây lớn nhất thế giới khỏi bị hỏa hoạn. General Sherman (cự sam) được coi là cây lớn nhất thế giới - được xác định bởi mật độ chứ không phải chiều cao, vì nó ngắn hơn Hyperion.
Cây cự sam General Sherman là cây lớn nhất thế giới. Cây cao 83 mét và có đường kính gốc là 11 mét. Ảnh: NPS. |
Cây cự sam General Sherman (tên khoa học là Sequoiadendron giganteum) được bọc trong một “vật liệu chống cháy chứa nhôm” giống như giấy bạc để nó được an toàn trong vụ hỏa hoạn khu vực KNP trong công viên.
Lính cứu hỏa dùng giá gỗ để leo lên cây cự sam General Sherman, quấn giấy bạc chống cháy để bảo vệ cái cây lớn nhất thế giới. Ảnh: NPS. |