Kiểm tra mã đề
Khi dự thi môn thành phần đầu tiên, thí sinh cần lưu ý ghi đủ thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm, đặc biệt là các thông tin về số báo danh, mã đề thi. Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh cần lưu ý các môn thi thành phần trong một bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề thi.
Do đó, thí sinh cần kiểm tra mã đề thi trước khi làm bài.
Làm từ dễ đến khó
Điểm chung của nhiều bạn thí sinh là hay sai những câu dễ, điều đó rất đáng tiếc. Vì thế, các em nên thực hiện theo nguyên tắc làm cẩn thận từ câu dễ đến câu khó.
Đề thi đã sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, thí sinh nên làm từ trên xuống dưới và phải cố gắng làm thật chính xác 20 - 30 câu đầu.
Các em nên ưu tiên hoàn thành những câu hỏi có kiến thức cơ bản trước, không nên dành nhiều thời gian cho các câu vận dụng cao để tránh tình huống mất điểm ở các câu dễ, việc này sẽ tốt hơn rất nhiều so với mất một câu dễ để gỡ một câu khó.
Đánh dấu từ khóa
Đọc kỹ từng câu, gạch dưới những từ khóa là cách để tránh hiểu sai đề. Ví như với môn Vật lý, khi đọc đề, đặc biệt là phần bài tập, thí sinh thường chú trọng đến số liệu, dữ kiện bài toán mà lướt qua yêu cầu dẫn đến hiểu sai nội dung, yêu cầu.
Nếu như các em gạch chân một số cụm từ khóa khi đọc đề bài thí sẽ hạn chế được vấn đề này. Đặc biệt, các câu nào có chữ sai, chữ không... rất dễ nhầm lẫn.
Phân chia nhóm câu hỏi
Nhiều thí sinh có thói quen khoanh đáp án vào đề thi, cuối giờ mới tô đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm, rất dễ dẫn đến lệch dòng, bỏ sót. Thế nên, để không mắc phải sai sót ngớ ngẩn này, các em hãy phân chia theo số lượng câu hỏi.
Trước hết hãy làm nhóm các câu dễ nhất đề thi là khoảng 20 câu đầu tiên và tô cẩn thận vào phiếu. Sau đó chia nhóm 10 câu để làm và điền phiếu trắc nghiệm ngay khi hoàn thành từng nhóm.
Tốt nhất là làm đến đâu, chắc tới đó và tô ngay đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm.
Làm câu lý thuyết trước
Trong khi làm bài, thí sinh nên làm phần lý thuyết trước, phần tính toán sau.
Thường trong đề thi, phần lý thuyết chỉ yêu cầu kiến thức cần nhớ, đánh giá, phân tích và giải quyết ở mức độ đơn giản hơn, kiến thức chủ yếu trong sách giáo khoa nên đây là phần các em dễ có điểm.
Dùng phương pháp loại trừ
Nếu trong phòng thi gặp một câu khó quá hoặc không chắc chắn với đáp án của mình thì hãy thử đáp án, loại trừ đáp án sai,... để tìm ra lựa chọn đúng.
Mỗi câu hỏi thường có 4 đáp án, các đáp án cũng thường không khác nhau nhiều lắm về nội dung, tuy nhiên vẫn có cơ sở để bạn dùng phương án loại trừ. Thay vì đì tìm đáp án đúng, hãy thử tìm phương án sai…
Khi không còn đủ cơ sở loại trừ thì hãy dùng cách phỏng đoán, nhận thấy phương án nào khả thi hơn và đủ tin cậy hơn thì chọn… đó là cách cuối cùng dành cho bạn.
Phân bổ thời gian, không được bỏ trống đáp án
Các thí sinh cần chú ý phân bổ thời gian để không bỏ sót câu hỏi nào, nếu không biết đáp án thì hãy chọn 1 đáp án tuỳ thích.
Đừng để bị điểm liệt
Theo quy chế, sẽ không xét tốt nghiệp nếu môn thành phần trong bài thi tổ hợp bị điểm liệt. Vì thế, hãy cố gắng đạt kết quả trên 1 điểm ở các môn thi thành phần.
Nếu thí sinh đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp mà không dự thi 1 bài sẽ bị coi là bỏ thi bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp và vì vậy thí sinh cần tham gia đầy đủ các bài thi đã đăng ký.