Dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn tình cảm: Đừng nhân danh tình yêu để phạm tội

ĐINH THU HIỀN |

Liên tiếp các vụ án liên quan tới việc mâu thuẫn tình cảm đã xảy ra trong thời gian gần đây. Nạn nhân đều là nữ giới và đều bị tổn thương cơ thể nặng nề, thậm chí tiên lượng sự sống rất xấu.

 Dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn tình cảm: Đừng nhân danh tình yêu để phạm tội - Ảnh 1.

Nạn nhân bị tưới xăng đốt ngoài đường trong vụ đánh ghen tại Quảng Nam. Ảnh cắt từ clip

Phương thức đê hèn

Theo công an tỉnh Quảng Nam, do nghi vấn chị M.D, trú tại TP Đà Nẵng, có quan hệ tình cảm luyến ái với chồng mình là anh Nguyễn Văn H., trú tại tỉnh Quảng Nam, nên chị D.P, 23 tuổi, đã cùng mẹ chồng là T.N, 44 tuổi, đi tìm M.D để thực hiện hành vi đánh ghen. Sáng 26/1/2023, phát hiện cặp đôi H và D đang cõng nhau từ quán karaoke ở huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) ra, D.P và T.N đã xông vào đánh, đồng thời tưới xăng lên người M.D, châm lửa đốt. Chị M.D bị bỏng nặng ở đầu, cổ độ III, shock bỏng, suy hô hấp nặng và tiên lượng rất xấu. Còn D.P và T.N cũng bị bỏng nhẹ ở tay. Cả 3 đều đang nằm điều trị trong bệnh viện.

D.P đã khai với cơ quan điều tra rằng, người chuẩn bị sẵn chai xăng mang đi đánh ghen là mẹ chồng, bà T.N. Hiện công an tỉnh Quảng Nam đang củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án giết người.

Trước đó vài ngày, tại tỉnh Thanh Hóa, chị L.T.H, sinh năm 1992, cũng trở thành nạn nhân trong một vụ án xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm. Vào ngày 16/1/2023, chị T.H đang chở con gái và chị gái lưu thông trên đường thì bị 2 người đàn ông ép xe và tạt thẳng acid vào người khiến cả 3 bị bỏng vùng mặt và tay, phải vào bệnh viện cấp cứu.

 Dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn tình cảm: Đừng nhân danh tình yêu để phạm tội - Ảnh 2.

Nạn nhân bị tưới xăng đốt ngoài đường trong vụ đánh ghen tại Quảng Nam (Ảnh cắt ra từ clip)

Cơ quan công an sau đó xác định Lê Xuân Anh và Lê Văn Cường là 2 người đi trên xe đã thực hiện hành vi tạt acid vào chị L.T.H. Người chủ mưu là Đỗ Viết Lợi. Theo thông tin ban đầu, Lợi đã có vợ con - khai nhận 3 năm trước có quan hệ tình cảm với chị T.H nhưng sau đó chị T.H muốn chấm dứt mối quan hệ này nên đã chuyển chỗ làm sang địa phương khác. Không thuyết phục được chị T.H quay lại, Lợi đã rắp tâm tạt acid vào chị T.H để thỏa cơn tức giận.

Thủ phạm trong các vụ án trên đều muốn hủy hoại cơ thể người khác để giải quyết mâu thuẫn tình cảm cá nhân. Họ đều nhân danh mối quan hệ cộng sinh - sở hữu, dằn mặt đối thủ bằng phương thức đê hèn. Các tội ác này đều không thể dung thứ.

Cần tăng nặng kịch khung

Đã có nhiều bà vợ đi đánh ghen tình địch và vướng vòng lao lý. Bản chất của việc đánh ghen là đẩy đối thủ ra xa khỏi người thân yêu, kéo người thân yêu về lại gần mình, gần gia đình mình. Tuy nhiên, kết cục của các vụ việc này thường là người chồng "xách va li ra khỏi cuộc hôn nhân"; người vợ bị pháp luật xử lý và nạn nhân - người thứ 3 mang các vết sẹo trên cơ thể và tâm hồn cả cuộc đời.

Dư luận cũng thường cảm tính trong việc phán xử vụ việc, khi cho rằng nạn nhân trong vụ đánh ghen là "đáng đời". Việc này đã thúc đẩy người đi đánh ghen vào tâm thế "lẽ phải" để sử dụng bạo lực. Và cuối cùng, những người "cổ vũ" cho cuộc đánh ghen đó lảng ra xa, hoặc lại được kích thích thêm trí tò mò, khi người đi đánh ghen đã quá đà, vi phạm pháp luật.

Tất nhiên, một mối quan hệ sai trái cần phải bị lên án và không ai bênh vực. Nhưng nhân danh tình yêu để tước đoạt tính mạng hay gây thương tích cho người khác thì đó là hành vi mất nhân tính, đê hèn, cần tăng nặng kịch khung.

Ở vụ án tạt acid tại Thanh Hóa, mặc dù đã có gia đình nhưng Đỗ Viết Lợi vẫn quan hệ ngoài luồng với T.H và khi T.H muốn dừng lại mối quan hệ sai trái này thì Lợi không cam tâm. Người đàn ông này dù nhân danh về điều gì, cũng không thể bao biện cho sự tàn ác cá nhân. Anh ta bộc lộ sở hữu tính ích kỷ, tham lam khi đang có vợ con mà vẫn ngoại tình. Và hành vi thuê người tạt acid vào người tình khi cô này cương quyết chấm dứt mối quan hệ thể hiện sự ra tay tàn độc.

Với các vụ án đánh ghen, hành vi phạm tội của thủ phạm nếu xác định được, sẽ là tội "cố ý gây thương tích", với khung hình phạt có biên độ khá rộng, từ phạt cải tạo không giam giữ tới chung thân. Ở phía nạn nhân, nỗi đau tinh thần và thể xác của họ trong các vụ án đánh ghen (tạt acid, tưới xăng đốt…) kéo dài không chỉ ngày một ngày hai mà là suốt cuộc đời. Nạn nhân bị biến dạng hình thể và chất lượng sống vô cùng tệ. Bi thảm hơn, nạn nhân tử vong.

Đừng nhân danh tình yêu để phạm tội

Tình yêu là một loại tình cảm đặc thù, đa sắc thái, bao gồm rất nhiều cảm xúc trộn lẫn. Nhưng khi nhân danh tình yêu để vi phạm pháp luật thì cũng có nghĩa người trong cuộc đã tự tay giết chết tình cảm của mình. Điều đó đi ngược lại mong muốn cá nhân của chính thủ phạm là được sống hạnh phúc.

Đối tác hay người phối ngẫu cảm thấy sợ hãi khi tiếp tục song hành với thứ tình cảm biến thái, dễ gây tội ác.

Ở khía cạnh khác, do tình cảm không phải là hằng số, con người vốn dĩ có sự thay đổi nên việc trói buộc người tình, người chồng, người vợ trong sự chung thủy có thể không như ý muốn. Nếu không tỉnh táo và sáng suốt để vượt qua, người đi đánh ghen sẽ mất tất cả: hạnh phúc, sự nghiệp và vướng vòng lao lý. Nhiều người đã ân hận khi bị kết án tù nhưng khi đó đã quá muộn.

Quan trọng hơn cả, nhân danh tình yêu, cần phải nhân danh những điều tốt đẹp để xử lý các vướng mắc trong chuyện tình cảm. Không ai có quyền nhân danh tình yêu cá nhân để xúc phạm tinh thần, đánh đập, gây thương tích cho người khác, hủy hoại cuộc sống của người khác.

Khi tình cảm không được đối thoại bằng phương thức tình cảm văn minh, tử tế, thì có nghĩa lúc đó pháp luật sẽ xuất hiện để đưa ra chế tài vô cùng nghiêm khắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại