Dữ liệu từ Cơ quan Môi trường Liên bang Đức (UBA) công bố hôm 19/1 cho thấy, việc giới hạn tốc độ ở mức 120 km/h (75 dặm/h) trên đường cao tốc ở Đức, nơi hiện không có giới hạn tốc độ, có thể cắt giảm lượng khí thải CO2 từ ô tô chở khách và xe thương mại hạng nhẹ khoảng 6,7 triệu tấn một năm.
Trong một nghiên cứu trước đó, với một phương pháp khác, cơ quan này dự kiến, việc giới hạn như vậy sẽ giúp cắt giảm 2,6 triệu tấn CO2.
Bộ Giao thông vận tải Đức cho biết, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc giới hạn tốc độ chung sẽ dẫn đến sự thay đổi lưu lượng giao thông từ đường cao tốc sang đường phụ, dẫn đến ùn tắc giao thông nhiều hơn, xảy ra nhiều vụ tai nạn hơn ở các thành phố và đường nông thôn với nhiều tiếng ồn và ô nhiễm môi trường hơn cho người dân.
"Luồng giao thông và an toàn đường bộ được chứng minh là tốt nhất trên đường cao tốc", người phát ngôn của Bộ Giao thông vận tải Đức nói với hãng tin Reuters, đồng thời cho biết thêm rằng Chính phủ nước này đã đồng ý về những biện pháp hiệu quả để đạt được các mục tiêu về khí hậu, trong đó không bao gồm giới hạn tốc độ chung.
(Ảnh: EPA)
Khi Đức đặt mục tiêu trở thành trung hòa carbon vào năm 2045, những kết quả mới tạo thêm áp lực lên Bộ Giao thông vận tải nước này, theo đó phải đẩy mạnh chương trình cắt giảm CO2 đối với lĩnh vực cắt giảm khí thải chậm nhất.
Để đạt được mục tiêu giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2022, lượng phát thải của ngành không được vượt quá 138,7 triệu tấn CO2 tương đương. Cơ quan Môi trường Liên bang Đức sẽ công bố vào tháng 3 liệu lĩnh vực này có đạt được mục tiêu đó hay không, nhưng đã cảnh báo vào tháng 11/2022 rằng không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã làm được như vậy.
Vào năm 2021, ngành giao thông vận tải ở Đức thải ra khoảng 148 triệu tấn CO2, thiếu so với mục tiêu khoảng 3 triệu tấn.
Theo Bộ Giao thông vận tải Đức, chương trình của họ sẽ cắt giảm khoảng 13 triệu tấn trong những năm tới, bù đắp cho mục tiêu bị bỏ lỡ vào năm 2021.
Tuy nhiên, các nhà môi trường nói rằng chương trình này không đi đủ xa, đồng thời thúc giục Chính phủ Đức đưa ra giới hạn tốc độ trên đường cao tốc, như các con đường ở Berlin và các thành phố khác của Đức yêu cầu giới hạn đó.
Liên minh cầm quyền của Đức đã không đồng ý về giới hạn tốc độ do sự phản đối của FDP.
Kết quả của Cơ quan Môi trường Liên bang Đức trùng khớp với việc tòa án hiến pháp của Đức tuyên bố hôm 19/1 rằng họ đã bác bỏ khiếu nại hiến pháp chống lại Chính phủ vì đã không đưa ra giới hạn tốc độ chung trên đường cao tốc ở nước này.