Tùng Leo ôm "mối hận" với Đức Tuấn

Cao Thanh Hương |

Dù có vị trí quyền lực trong showbiz Việt nhưng Tùng Leo vẫn ôm "mối hận" này với Đức Tuấn.

Cuối năm, Đức Tuấn tất bật chạy show, bởi thế cuộc hẹn với tôi cũng buộc phải trong tình huống "tranh thủ" giờ tổng duyệt một chương trình mà Đức Tuấn tham gia hai ca khúc đinh. Dù vậy, tôi vẫn có đầy đủ chân dung một Đức Tuấn như mong muốn...

Trình diễn sân khấu lần đầu năm 2 tuổi với cát xê là chiếc đèn lồng

Đức Tuấn sinh ra trong một gia đình không có truyền thống làm về nghệ thuật ở một thị xã nhỏ thuộc tỉnh An Giang, giáp ranh với biên giới Campuchia là Long Xuyên. May mắn cho Tuấn, dù bố mẹ là giáo viên nhưng đều là những người yêu nhạc và hát rất hay. Bởi thế âm nhạc ngấm vào máu Tuấn lúc nào không hay.

Năm Tuấn 2 tuổi, cơ quan của bố mẹ tổ chức chương trình trung thu cho con em cán bộ công nhân viên. Đó cũng là lần đầu tiên Tuấn được lên sân khấu "trình diễn" với cát-xê... là chiếc đèn lồng.

Theo năm tháng, Tuấn lớn lên và càng lúc càng say mê ca hát. Học mẫu giáo, Tuấn đã được đại diện cho các bé của trường đi thi hát tại các cuộc thi ở thị xã. Lên cấp 1, cấp 2, Tuấn luôn là "hạt giống văn nghệ" số 1 của trường.

Và bên cạnh đó, Tuấn vẫn tiếp nối truyền thống ham học của bố mẹ. Tuấn học rất giỏi, năm nào cũng là 1 trong 3 học sinh đứng đầu lớp và đứng đầu khối. Tuấn có tuổi thơ khá lừng lẫy với nhiều giải thưởng cả về ca hát lẫn học hành.

Tùng Leo ôm mối hận với Đức Tuấn - Ảnh 1.

Ca sĩ Đức Tuấn (ảnh trong bài do nhân vật cung cấp).

Ngoài âm nhạc, Tuấn còn đam mê nghệ thuật xếp giấy origami của Nhật và niềm đam mê đó cũng được truyền từ bố mẹ một cách hồn nhiên nhất. Nhà Tuấn hồi đó nghèo lắm, gạo có thể thiếu, sữa có thể không có nhưng giấy trong nhà thì bao la. Vì bố mẹ là giáo viên nên giấy lúc nào cũng có thừa, thế là Tuấn xếp giấy.

Tuấn còn thích xem phim ảnh và sở thích đó bắt nguồn từ việc bố mẹ ráng để dành tiền mua cho bằng được cái tivi đen trắng 14 inch để con cái mở mang kiến thức dù nhà... nghèo rớt mùng tơi.

Không những thế, từ nhỏ Tuấn đã biết nghe băng cassette. Cuốn băng cassette đầu tiên bố mẹ mua cho Tuấn là "Vầng trăng cổ tích" mà đến giờ Tuấn vẫn giữ. 

Có bao nhiêu tiền, Tuấn không ăn mà dành hết cho các băng đĩa nhạc nên người ốm nhom. Học lớp 6, Tuấn đã biết tự đi tìm mua đĩa nhạc quốc tế đầu tiên.

Niềm đam mê nghệ thuật của Tuấn được nuôi dưỡng như thế từ gia đình. Chính dòng âm nhạc mà Đức Tuấn theo đuổi hiện tại cũng là do ảnh hưởng từ âm nhạc mà chính bố mẹ ngày xưa thường nghe.

2 lần đạt giải quốc gia Anh Văn và tài năng khiến Tùng Leo đến giờ vẫn "hận"

Tuấn 9 tuổi, bố mẹ bắt đi học tiếng Anh. Cũng nhờ vậy mà năm lớp 9, Tuấn đạt giải Ba quốc gia môn Anh văn. Thế là cuộc đời Tuấn bước sang một trang mới. Tuấn được tuyển thẳng lên trường Lê Hồng Phong ở TPHCM.

Đó là một thế giới hoàn toàn khác. Tuấn được cọ sát với những giọng ca hàng đầu của Việt Nam như Ngọc Linh, Diễm Quyên, Mộng Thi...

Tùng Leo ôm mối hận với Đức Tuấn - Ảnh 2.

Đức Tuấn đang làm việc với nhạc sĩ Phú Quang và dàn nhạc giao hưởng.

Từ khi học ở trường Lê Hồng Phong, Tuấn hăng hái tham gia các cuộc thi hát ở trường, đại diện trường tham gia các cuộc thi hát của thành phố nhưng không bao giờ được giải cao, chỉ thường được... khuyến khích.

Năm lớp 11, Tuấn đi thi giọng hát hay giữa các trường cấp 3 ở thành phố thì Hiền Thục đã là khách mời đặc biệt. Lúc đó, Hiền Thục đã là một ngôi sao và là thần tượng trong lòng Tuấn.

Tùng Leo ngày đó học lớp chuyên 2 còn Tuấn học chuyên ngữ. Thời phổ thông, Tùng Leo rất siêng năng, cũng đi thi hát, đóng kịch nhưng riêng các cuộc thi hát, Tùng Leo bao giờ cũng thua Đức Tuấn.

Bây giờ, Tùng Leo đã có một chỗ đứng rất ghê gớm, trở thành ông trùm showbiz và ngành thời trang nhưng mỗi lần hai "bạn già" ngồi với nhau, nhắc lại kỷ niệm đó, Tùng Leo vẫn bảo đó là mối hận rất lớn với Đức Tuấn.

Lớp 12, Đức Tuấn lại một lần nữa đạt giải quốc gia môn Anh Văn và được tuyển thẳng vào trường Đại học Ngoại thương và Đại học Bách Khoa chuyên ngành Công nghệ thông tin. Tuấn học cả hai trường thay vì vào nhạc viện theo đúng đam mê của mình.

Đi xin hát bị từ chối, lúc được săn đón, mời mọc vẫn nhận cát xê 50.000 đồng

Nhiều người hỏi Tuấn, đam mê âm nhạc mà sao không học Nhạc viện. Lý do là vì hồi trẻ, Tuấn chưa có được quan điểm vững chắc như bây giờ.

Ngày đó, cả xã hội vẫn quan điểm nghệ sĩ là "sướng ca vô loài". Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, kiếm nhiều tiền nhưng vẫn không được xã hội coi trọng. Mãi tới khi âm nhạc Việt Nam bùng nổ thì ca sĩ mới được trả về vị trí của họ.

Tùng Leo ôm mối hận với Đức Tuấn - Ảnh 4.

Đức Tuấn là người mê những giá trị cổ xưa và lưu giữ mọi kỷ niệm.

Chính vì quan điểm không vững chắc nên Tuấn chọn làm cái mà cả xã hội coi trọng. Và cũng phải thừa nhận rằng, từ nhỏ Tuấn đã là người đam mê danh vọng. Tuấn rất quan trọng chuyện người ta nhìn mình như thế nào. Vì thế, Tuấn luôn muốn mình phải là nhân tố ưu tú nổi bật trong một tập thể nào đấy.

Hồi đó, muốn nổi bật thì chỉ có một con đường duy nhất là học giỏi. Thước đo của xã hội ngày đó là như thế. Học sinh giỏi mới được mọi người đánh giá cao và ngưỡng mộ.

Vậy là Tuấn quyết định mình phải là người như thế - học giỏi và phải vào được những trường danh giá nhất thời điểm đó, phải đạt được những giải thưởng danh giá nhất thời học sinh là giải quốc gia.

Thật ra, Tuấn không thích học nhưng chỉ vì học giỏi sẽ được mọi người ngưỡng mộ nên bắt buộc Tuấn phải học giỏi. Còn niềm đam mê của Tuấn là âm nhạc.

Thế là, ngay năm nhất đại học, Tuấn đã đạt giải nhất Tiếng hát sinh viên của cả hai trường Ngoại Thương và Bách Khoa TPHCM. Tuấn xin đi hát các tụ điểm bar, quán cà phê nhưng đều bị từ chối. Bị các tụ điểm từ chối, Tuấn hăng hái đi hát phong trào. Tuấn tham gia nhóm Giai điệu xanh của Thành đoàn và gắn bó với nơi này 6, 7 năm trời.

Năm 2000, Tuấn được huy chương vàng cuộc thi Tiếng hát Sinh viên chuyên nghiệp toàn quốc. Đồng huy chương vàng năm đó với Đức Tuấn còn có Hồ Quỳnh Hương và Nam Khánh.

Cuối năm đó, Tuấn đạt giải nhất Tiếng hát truyền hình và từ đây, Tuấn chính thức chuyển qua đi hát. Dù vậy, thời điểm đó, Tuấn cũng chỉ là hát bán chuyên nghiệp vì thời gian chính vẫn dành cho việc học.

Tùng Leo ôm mối hận với Đức Tuấn - Ảnh 6.

Đức Tuấn trong ngày ra mắt MV mới "Hà Nội và em khi thu chớm đông sang".

Nhưng đó là một bước ngoặt lớn của Đức Tuấn. Từ chàng sinh viên đi xin hát khắp nơi đều bị từ chối đến chỗ được hầu hết các tụ điểm săn đón, mời mọc.

Dù được săn đón, mời chào hát hàng đêm nhưng cát xê mỗi chỗ cũng chỉ 50.000 đến 100.000 đồng. Tuấn là sinh viên đi hát nên không biết giá thị trường, không biết cách làm giá, không có bầu show hay người quản lý nên "bị ép" mà không biết.

Bởi với Tuấn, từ một đứa đi xin hát không ai nhận tới chỗ có người kêu và trả tiền cho mình, thì bao nhiêu cũng thấy nhiều. Họ đưa bao nhiêu, Tuấn cũng vui vẻ cầm chừng đó.

Cố chấp và một Đức Tuấn khác biệt

Tuấn đi hát như thế cho tới năm 2004 thì ra album đầu tiên mang tên "Anh yêu em". Từ album này, Tuấn mới dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp và có những hoạt động thực tế để đẩy chỗ đứng của mình lên một vị trí khác trong nghề.

Thời trẻ, Tuấn hát "lung tung" lắm. Hễ cái gì hot, cái gì hit là Tuấn hát. Hát để kiếm tiền chứ không hát đúng sở trường hay cái mà Tuấn muốn. Nhưng đó cũng là quãng thời gian để Tuấn bản lĩnh hơn, trưởng thành hơn, hiểu mình cần cái gì, muốn cái gì và mình thành công bằng cái gì.

Album đầu tiên của Đức Tuấn là một album "lượm lặt" đúng nghĩa. Ca khúc chủ đề "Anh yêu em" được nhạc sĩ Lê Quang sáng tác cho phim "Long xích lô" nhưng vì nghe hay quá, hợp với cách hát của Tuấn quá... thế là Tuấn xin thu âm.

Rồi Tuấn nhờ nhạc sĩ Lê Quang biên tập lại ca khúc đó cho mình làm album. Tuấn hỏi những nhạc sĩ quen biết xem có bài nào hay thì đưa vào... cho đủ.

Tùng Leo ôm mối hận với Đức Tuấn - Ảnh 8.

Vì quá mê âm nhạc nên Đức Tuấn luôn làm việc một cách nghiêm túc và dốc hết lực.

Tuấn cũng lượm lặt từng đồng, gom góp mỗi lúc một ít vào để làm album này. Album đó chưa theo cách làm album sau này của Tuấn vì nó rất hồn nhiên nhưng nó là một kỷ niệm đáng yêu. Và nếu không có album đầu tay đó thì không có Đức Tuấn của ngày hôm nay.

Những năm tháng sau đó, Đức Tuấn hát cho phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết. Từ lúc đó, sở trường hát nhạc tiền chiến của Tuấn được phát huy mạnh mẽ.

Tuấn hát bất chấp những khen chê của mọi người. Người thì chê Tuấn nhỏ tuổi mà hát nhạc xưa. Người lại khuyên hát phải già dặn hơn, sâu sắc hơn. Tuấn nghe hết những khen chê đó nhưng Tuấn vẫn cứ hát theo cách của mình.

Tuấn biết mình cố chấp nhưng không thể hát theo cách của người khác được. Tuấn không thể giả làm người khác để hát ca khúc đó cho hay được. Tuấn muốn hát đúng là Tuấn, thực là Tuấn.

Để rồi hôm nay, làng nhạc Việt có một Đức Tuấn với 14 năm đi hát chuyên nghiệp và 21 album rất khác biệt mà chỉ cần vài giai điệu cất lên, chưa nghe tiếng hát đã nhận ra phong cách Đức Tuấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại