Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. (Ảnh: Tass)
“Chúng tôi đang theo dõi sát sao tất cả quá trình này”, ông Peskov nói khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc AUKUS mời Nhật Bản tham gia.
“Những liên minh như vậy không thể trở nên bao trùm nếu xét về quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, vì thế cuối cùng chỉ là hình thành một ‘thoả thuận hẹp’, khó có thể phát triển thành nền tảng rộng rãi để mang lại ổn định và an ninh cho khu vực rộng như vậy”, Tass dẫn lời ông Peskov.
Ngày 12/4, báo Sankei Shimbun của Nhật đưa tin chính phủ nước này đã nhận được đề nghị không chính thức về việc tham gia AUKUS. Theo báo này, Tokyo sẽ tiếp tục nhận được đề xuất tham gia từ 3 thành viên liên minh.
Thông tin được hé lộ trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến thăm Nhật Bản vào cuối tháng 5 để tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm "Bộ tứ" (gồm Úc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản).
Tháng 9 năm ngoái, Úc, Anh và Mỹ thông báo thành lập AUKUS để giúp Úc chế tạo ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân bằng công nghệ Mỹ. Liên minh này cũng sẽ hợp tác trong những vấn đề khác. AUKUS được coi là nỗ lực nhằm đối phó với một Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn về kinh tế và quân sự ở khu vực.
Malaysia và Indonesia chỉ trích AUKUS, nhấn mạnh sẽ tiếp tục nỗ lực chung để duy trì khu vực phi hạt nhân. Kuala Lumpur tuyên bố Úc sẽ phải xin giấy phép đặc biệt nếu muốn đưa tàu ngầm vào cảng của Malaysia hoặc tham gia diễn tập ở những khu vực gần biển của nước này.
Ngày 14/4, Văn phòng của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-Yeoul phủ nhận thông tin báo chí nêu rằng ông đã đề nghị tham gia thượng đỉnh sắp tới của Bộ tứ với tư cách quan sát viên.
“Chúng tôi đã kiểm tra thông tin này nhưng nó không đúng và không được thảo luận với chúng tôi”, phát ngôn viên Bae Hyun-jin nói trong cuộc họp báo.
Trước khi nhậm chức vào ngày 10/5, ông Yoon đang chuẩn bị phương hướng cho chính sách đối ngoại. Có khả năng ông sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với ông Biden nhân dịp nhà lãnh đạo Mỹ sang châu Á.
Theo Tass